TĐKT – Sáng 18/6, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), với sự tài trợ của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới, đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình và Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án: “Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững (dự án SERD)” giai đoạn 2016 - 2019.
Toàn cảnh Hội thảo
Dự án SERD do Tổ chức Bánh mì cho Thế giới và CSIP phối hợp triển khai từ năm 2016 nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhóm yếu thế ở vùng sâu, vùng xa và các khu vực khó khăn. Dự án thực hiện mục tiêu này bằng việc lựa chọn một cách tiếp cận đổi mới, sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội của các vùng nông thôn, miền núi.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, dự án hướng đến thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong cộng đồng địa phương và trao quyền cho những hạt nhân năng động - những doanh nghiệp xã hội (DNXH) cộng đồng nhằm góp phần thay đổi tích cực kinh tế và xã hội tại những khu vực có tỷ lệ nghèo đói cao nhất ở trên địa bàn hai tỉnh Hòa Bình và Lào Cai.
Dựa trên định hướng đó, các hoạt động của dự án đã được thiết kế nhằm huy động tối đa sự tham gia của các nhân tố mang tố chất của những doanh nhân xã hội tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các chương trình tập huấn nâng cao năng lực và hỗ trợ chuyên sâu được đảm nhiệm bởi các chuyên gia có kinh nghiệm cũng được thiết kế nhằm mục tiêu phát triển tư duy kinh doanh cho các doanh nghiệp cộng đồng cũng như tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ của họ.
“Doanh nghiệp xã hội đã xuất hiện trong một thời gian dài nhưng gần đây mới được công nhận như là một cách tiếp cận sáng tạo và có định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội” - bà Phạm Kiều Oanh, Người sáng lập và Giám đốc CSIP chia sẻ. “Với cách tiếp cận này, dự án trao quyền và thúc đẩy sức mạnh nội lực của chính cộng đồng bản địa trong việc giải quyết các vấn đề của địa phương mình. Khi đó, các hoạt động kinh doanh do bà con làm chủ sẽ trở thành nhân tố mạnh mẽ giúp xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như nguồn tri thức địa phương.”
Trong giai đoạn từ tháng 1/2016 – 6/2019, có 60 DNXH cộng đồng đã nhận được những hỗ trợ từ dự án, mang lại lợi ích trực tiếp đến 1.168 người và gián tiếp nâng cao chất lượng cuộc sống của 13.707 người. Đặc biệt, dự án đã mang đến những thay đổi quan trọng trong tư duy, tăng cường năng lực kinh doanh, tạo ra sự phát triển bao trùm và lan truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp cũng như cộng đồng địa phương.
Tại Hội thảo, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình và Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai – những đối tác thực hiện của dự án tại địa bàn đã trình bày và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phối hợp, triển khai các hoạt động của dự án tại địa phương mình, từ đó đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạch phát triển DNXH cộng đồng tại 2 tỉnh trong thời gian tới.
Chị Thào Thị Tùng - Phó Chủ tịch, Hội Liện hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai chia sẻ: “Trong 3 năm triển khai thực hiện hoạt động, sự tham gia của phụ nữ, người dân tộc thiểu số (DTTS) trong hoạt động quản lý, điều hành doanh nghiệp đã được tăng cường rõ rệt. Từ đó, dự án SERD đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và kiến thức của người dân nhất là phụ nữ và người DTTS, nâng cao vị thế của người phụ nữ và người DTTS, giảm bất bình đẳng giới trong cộng đồng và xã hội.”
Nhân dịp này, báo cáo: “Doanh nghiệp xã hội cộng đồng: Thực trạng và kiến nghị” do CSIP phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Bánh mì cho Thế giới đã được đưa ra như một bản khuyến nghị chính sách công nhận vai trò và thúc đẩy môi trường cho các DNXH do các nhà hoạch định chính sách địa phương, cộng đồng và các bên liên quan đề xuất. Đây cũng được ghi nhận như là một chiến lược mới trong việc giảm nghèo đói và là thay đổi xã hội để gửi tới các cơ quan Nhà nước.
“Chúng tôi tin tưởng rằng cách tiếp cận của dự án sẽ giúp tạo ra những bước tiến quan trọng trong việc tăng cường năng lực tự giúp và khơi dậy tiềm năng của nhóm người nghèo và nhóm yếu thế ở vùng sâu, vùng xa và các khu vực khó khăn, từ đó đem lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ” - bà Eva -Maria Jongen, Giám đốc văn phòng Việt Nam, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới bày tỏ.
Phương Thanh