TĐKT - Hơn 2 thập kỷ gắn bó với công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân, với Thượng tá Trần Đức Phong, Giám thị trại giam Ninh Khánh (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an), đây là một nghề đặc biệt. Với anh, mỗi một cuộc đời lầm lỡ được đánh thức, hồi sinh là động lực để anh tiếp tục công việc đầy khó khăn, vất vả nơi đất trại.
Chiến sĩ trẻ trách nhiệm với nghề
Tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, năm 1999, anh đầu quân về công tác tại Trại giam Ninh Khánh trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân (PN). Mới ra trường, tuổi đời còn trẻ nhưng với tinh thần trách nhiệm, cùng sự nhạy bén, sức sáng tạo không ngừng, anh nhanh chóng bắt nhịp với công việc, được lãnh đạo, chỉ huy và đồng chí, đồng đội tin tưởng, đánh giá cao.
Từ một cán bộ trinh sát trại giam, anh tiếp tục được đề bạt, bổ nhiệm làm Phó Đội trưởng, rồi Đội trưởng Đội Trinh sát, sau này là Phó Giám thị và Giám thị Trại giam Ninh Khánh năm 2018.
Thượng tá Trần Đức Phong, Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Ninh Khánh
Nhớ lại những ngày đầu về công tác tại đây, Thượng tá Trần Đức Phong cho biết: Lúc bấy giờ, các đối tượng đưa đến trại giam liên tục tăng; thành phần, tính chất phạm tội đa dạng, phức tạp, mức độ chống phá ngày càng tinh vi, xảo quyệt, PN thường xuyên không yên tâm cải tạo, luôn tỏ thái độ liều lĩnh, chống đối quyết liệt, vi phạm pháp luật và nội quy trại giam. Điều kiện cơ sở vật chất, trang bị phương tiện phục vụ công tác giam giữ, quản lý các loại đối tượng còn thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ trẻ, chưa qua đào tạo, thiếu kinh nghiệm thực tiễn công tác….
Được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trại giam, trinh sát trẻ Trần Đức Phong gặp không ít khó khăn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, hầu hết thời gian anh ở trong đơn vị, tập trung cho công tác nắm bắt tình hình PN, dự báo, lên kế hoạch phối hợp bóc gỡ, cảm hóa, giáo dục PN không để xảy ra đột xuất bất ngờ; đảm bảo trại an toàn trong mọi tình huống.
Có những chuyên án khiến anh ròng rã cả tuần trắng đêm đấu trí căng thẳng, cả tháng đau đầu lần theo những manh mối, khám phá, loại bỏ những thủ đoạn tinh vi của PN. Có thời điểm, chỉ một mình đảm nhận nhiệm vụ, công việc căng thẳng, tưởng chừng như quá sức, phải bỏ cuộc… Nhưng sau tất cả, anh cùng tập thể cán bộ chiến sĩ trại giam Ninh Khánh đã đoàn kết, thống nhất, vượt qua những khó khăn ban đầu, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tình người nơi đất trại
Hơn 20 gắn bó với nghề cảnh sát trại giam, chưa có khó khăn, vất vả nào làm anh chùn bước. Nhưng điều làm anh luôn trăn trở đó là làm thế nào để đưa các PN trở về nẻo thiện, về với gia đình và xã hội.
Anh chia sẻ: “PN dù phạm tội gì thì trong họ luôn còn một phần lương tri của con người; bởi vậy công việc của người cảnh sát trại giam không chỉ đơn thuần là quản lý PN mà cần phải đánh thức được mầm thiện trong họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực, để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại”.
Vì vậy, ở bất kỳ giai đoạn, vị trí công tác nào, Thượng tá Trần Đức Phong luôn đặt mình ở vị trí của người làm nhiệm vụ cải tạo những “sản phẩm” chưa hoàn thiện của xã hội. Anh cho rằng, công tác giáo dục PN chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi tạo được môi trường lành mạnh để PN yên tâm học tập, lao động, cải tạo tiến bộ.
Trung tướng Hồ Thanh Đình, Cục trưởng Cục C10 trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho Thượng tá Trần Đức Phong
Là người đứng đầu, quản lý trại giam, hàng năm anh chỉ đạo toàn trại duy trì nền nếp các hoạt động: Học tập thời sự, chính trị, chính sách, pháp luật, nội quy trại giam; tổ chức dạy văn hóa xóa mù chữ, giáo dục công dân cho PN, giáo dục chung, giáo dục riêng; tổ chức phát động các đợt thi đua trong PN toàn trại gắn với phong trào thi đua chấp hành án phạt tù, nội quy trại giam.
Để giúp PN hướng thiện, có niềm tin trong cuộc sống, khơi dậy khát vọng hoàn lương, góp phần hình thành nhân cách tích cực cho họ, Trại giam Ninh Khánh tổ chức thi viết tự truyện với chủ đề “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, thi vẽ tranh “Khát vọng hoàn lương”, viết thư “Gửi lời xin lỗi” người bị hại, thân nhân người bị hại, thân nhân PN, cơ quan, chính quyền địa phương nơi PN đã từng học tập, công tác; cuộc thi “Tiếng hát tình đời”; thi “Viết cảm nhận về sách”… Các hoạt động lôi cuốn đông đảo PN tham gia, với hàng ngàn trang viết, bức tranh, bức thư có giá trị tác động trở lại giáo dục, cảm hóa PN.
Đồng thời, các Hội nghị gia đình PN được Thượng tá Trần Đức Phong quan tâm tổ chức hằng năm. Đây là dịp để PN được gặp gỡ, trao đổi những tâm tư, tình cảm với thân nhân, giúp họ có động lực để cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, xã hội…
Các phong trào văn hóa, văn nghệ được duy trì và thúc đẩy, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh cho PN, làm chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, hành vi của họ, từ đó giúp họ yên tâm phấn đấu cải tạo, sớm được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước.
Nhờ đó, trong 10 năm qua, tỷ lệ PN cải tạo khá, tốt trong toàn trại tăng; tỷ lệ PN cải tạo kém giảm đáng kể, từ 7,3% năm 2015 giảm xuống còn 2,4% năm 2018; tỷ lệ tái phạm tội sau khi ra trại thấp. Toàn trại có 7988 PN hết án, trở về với xã hội, tái hòa nhập cộng đồng trở thành công dân lương thiện.
Kể về PN Vũ Quang, Phân trại số 1 do anh phụ trách, Thượng tá Phong cho biết: Trước khi vào trại, Quang là một sinh viên tài năng của Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhưng do không tu dưỡng, rèn luyện, bị bạn bè xấu lôi kéo nên đã sa vào con đường ma tuý. Quang mang trong mình căn bệnh HIV đến trại với án phạt 7 năm tù. Thời gian đầu mới đến trại, Quang bất cần, chống đối, thường xuyên vi phạm nội quy, cải tạo kém.
Sự tâm huyết, bao dung của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, đặc biệt là sự quan tâm, chân thành của Thượng tá Phong đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, ấm áp, giúp PN Quang có thêm niềm tin, hi vọng trên cuộc hành trình tìm về nẻo thiện. Hiện nay, PN Quang là một tấm gương tiêu biểu trong lao động, học tập, cải tạo, là một tuyên truyền viên tích cực trong phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy của trại.
Một trường hợp khác là PN Hoàng Thị Lư chịu mức án 30 năm tù về tội giết người nhưng không nhận tội. Đi thi hành án, PN Lư để lại 2 đứa con nhỏ dại không có người chăm sóc, trong đó đứa con gái bé bỏng bị tim bẩm sinh rất nặng.
Anh Phong đã vận động cán bộ, chiến sĩ toàn trại giam quyên góp, ủng hộ kinh phí cho cháu bé mổ tim với số tiền là 34 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Điện ảnh, Phát thanh, Truyền hình Công an nhân dân tổ chức chương trình “Niềm tin và sự hướng thiện”, tạo điều kiện cho PN được gặp và ôm lấy đứa con yêu của mình trên sân khấu.
Chính tình người, lòng nhân ái, sự cảm thông, chia sẻ của cán bộ đơn vị đã khiến PN Lư cảm động, viết đơn xin nhận tội, yên tâm cải tạo để sớm được về chăm sóc con thơ.
“Mỗi một nhiệm vụ được hoàn thành, được chứng kiến PN từ chỗ thường xuyên vi phạm nội quy, xếp loại cải tạo kém trở nên yên tâm tư tưởng, phấn đấu cải tạo, chấp hành tốt, sớm hoàn lương trở về với gia đình và xã hội, tái hòa nhập cộng đồng…, tôi lại tìm thấy niềm vui, thấy được ý nghĩa nhân văn của nghề, nên càng có động lực để gắn bó với nghề mình đã chọn.” - Thượng tá Phong bộc bạch.
Tạo hành trang cho PN hòa nhập với cộng đồng
Bên cạnh giáo dục, cảm hóa, Thượng tá Trần Đức Phong cho rằng công tác tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng giúp người phạm tội trở thành những người có ích cho xã hội.
Anh chú trọng phát triển công tác tổ chức lao động sản xuất, dạy nghề cho PN. Cùng với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển mở rộng sản xuất các ngành nghề, nhất là khai thác nguyên vật liệu xây dựng, Thượng tá Trần Đức Phong còn tập trung chỉ đạo và có định hướng ngành nghề để tổ chức cho PN học nghề, truyền nghề theo độ tuổi, sức khỏe.
Không chỉ dừng lại ở những ngành nghề thủ công truyền thống, Trại đã mở rộng liên kết hợp tác, lao động sản xuất với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh đào tạo, dạy nghề vừa tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho PN, vừa tái đầu tư sản xuất.
Việc chuyển đổi ngành nghề đã đạt được kết quả tích cực. Từ 80% PN lao động ngoài trời với công việc vất vả, nặng nhọc, năng suất thấp, đến nay các PN được lao động trong nhà xưởng với máy móc, kỹ thuật hiện đại, chuyên môn hóa, năng suất lao động cao.
Cán bộ trai giam Ninh Khánh đang hướng dẫn nghề may cho PN
Đồng thời, Trại chủ động liên kết sản xuất với các cá nhân, tổ chức trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, tổ chức cho trên 40.000 lượt PN lao động, sản xuất, theo học nhiều ngành nghề như sản xuất vật liệu xây dựng, nghề may, đan lát và một số ngành nghề thủ công khác. PN mới đến trại được học nghề và được tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề ngay tại trại. Trong 10 năm, có trên 16.000 PN được truyền nghề.
Đặc biệt, một số ngành nghề đặt ra yêu cầu kỹ thuật và an toàn lao động cao, đơn vị đã mời giáo viên trường cao đẳng nghề đến giảng dạy. Đơn vị phối hợp Trường Trung cấp nghề Thái Nguyên, Trung cấp nghề Thanh Hóa tổ chức 46 lớp dạy nghề cho 1610 PN học tập (10 lớp nghề nề hoàn thiện cho 350 PN, 24 lớp điện tử dân dụng và điện dân dụng cho 840 PN; 12 lớp may công nghiệp cho 420 PN). Sau kết thúc các khoá học, PN được thi cấp chứng chỉ nghề.
Thông qua công tác tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, hầu hết PN đã xây dựng, nêu cao được ý thức tự giác trong lao động, yêu lao động, trân trọng và sử dụng tiết kiệm thành quả lao động, yên tâm tư tưởng học tập, cải tạo, tích cực học hỏi tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề. Với ngành nghề đã được học trong trại, nhiều PN sau khi hết án trở về với cuộc sống đời thường có cơ hội tìm kiếm việc làm, tạo dựng cuộc sống ổn định, hạn chế tỷ lệ tái phạm.
Để các PN có điều kiện tốt nhất để làm lại cuộc đời, Trại chủ động cung cấp thông tin PN sắp chấp hành xong án phạt tù về nơi cư trú để địa phương có kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ tạo lập cuộc sống mới.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Trần Đức Phong rất vui mừng: Kết quả khảo sát người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương, có rất nhiều tấm gương sáng trên nẻo đường hoàn lương.
Tiêu biểu trong số đó là Trần Văn Sùng, sinh năm 1982, ở xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, can tội lưu hành tiền giả, bị phạt 7 năm tù. Trước khi vào trại, Sùng cũng là sinh viên của một trường đại học, nhưng do không có tiền tiêu, Sùng đã cùng một số đối tượng đi tiêu thụ tiền giả và bị bắt trên đường đi tiêu thụ.
Quá trình cải tạo tại trại, Trần Văn Sùng đã nhận rõ hành vi phạm tội của mình và tích cực lao động, cải tạo. Tuổi đời còn trẻ lại có chút khéo tay, Sùng được phân về Đội 41 – Phân trại số 1, nơi Thượng tá Trần Đức Phong trực tiếp phục trách. Ở đây, Sùng được học nghề làm thủ công mỹ nghệ và là một trong những PN có tay nghề cao, làm ra nhiều sản phẩm nhất đội.
Năm 2009, Sùng được đặc xá vào dịp Tết Nguyên đán. Trở về quê với hai bàn tay trắng, sẵn có tay nghề, Sùng nhận làm các mặt hàng đá mỹ nghệ. Với sự nhanh nhạy của tuổi trẻ, Sùng nhanh chóng thành lập một cơ sở sản xuất nhỏ. Cho đến ngày hôm nay, cơ sở ấy đã được phát triển thành Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Thành với hàng trăm mặt hàng thủ công mỹ nghệ được xuất khẩu mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Với những nỗ lực không ngừng trong công tác quản lý, giáo dục cải tạo PN, nhiều năm liền Thượng tá Trần Đức Phong được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.
Năm 2018, với sự chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt của đồng chí, Đảng ủy, đơn vị Trại giam Ninh Khánh ngày càng phát triển về mọi mặt, tập thể thống nhất đoàn kết, giữ vững danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh”. Đơn vị vinh dự được nhận Cờ thi đua của Chính phủ “Đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của Bộ Công an”; được các tổ chức quần chúng tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen và các danh hiệu cao quý khác.
Tin rằng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của một vị thủ lĩnh toàn tâm, toàn tài như Thượng tá Trần Đức Phong, Trại giam Ninh Khánh sẽ tiếp tục phát triển không ngừng, gặt hái thêm nhiều thành tích đáng tự hào hơn nữa trong sự nghiệp quản lý và giáo dục cải tạo PN.
Mai Thảo