TĐKT - Sau hơn một năm phát động và triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy “nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào thi đua ái quốc” (1). Điều này dẫn đến một số khuyết điểm như cho rằng thi đua chỉ mang tính nhất thời, không có sự phối hợp, trao đổi lẫn nhau, phong trào thi đua xa rời với mục đích ban đầu đặt ra. Do vậy, tháng 8 năm 1949, trong “Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công”, Người đã nhấn mạnh: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua” (2).
Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (31/5/1957) (Ảnh tư liệu)
Đây là vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc trong tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây, Người đã nói tới “nền tảng của thi đua” - một vấn đề rất cơ bản thuộc về cơ sở, gốc rễ của thi đua. Chính trên nền tảng này mà mọi cuộc thi đua sẽ được nảy sinh và diễn ra liên tục. Nền tảng của thi đua Người chỉ ra ở đây là “công việc hàng ngày”.
Mỗi người trong xã hội đều có một vai trò, vị trí, công việc nhất định. Mỗi công việc đều có những đóng góp nhất định cho xã hội, đều là những hoạt động lao động sản xuất của con người và giúp cho xã hội loài người tồn tại và phát triển. Do vậy, dù là công việc đơn giản hay phức tạp, mang tầm quan trọng ít hay nhiều, người thực hiện nó đều phải có ý thức, có trách nhiệm để hoàn thành công việc với hiệu quả cao nhất có thể. Mỗi người, khi hoàn thành tốt những “công việc hàng ngày” của mình thì đã là những người tham gia tích cực và có hiệu quả trong phong trào thi đua.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân có tinh thần lao động, có ý thức trách nhiệm đối với công việc hàng ngày của mình. Người khen mỗi người dân làm việc tích cực, hăng hái thi đua trong khả năng, phạm vi mà mình chịu trách nhiệm: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh. Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân. Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”. Ngay cả đối với các cháu thiếu nhi, Người cũng dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.(3) Với Người, “bất cứ nấu bếp, quét nhà hay làm chủ tịch đều phải lao động cả, làm gì ích nước lợi dân là vẻ vang.”(4) và đã thi đua là phải làm cho tốt.
Người chỉ bảo cụ thể, nêu những ví dụ hết sức điển hình để mọi người biết và áp dụng trong quá trình phấn đấu thi đua của mình: “Từ trước đến giờ ta vẫn ǎn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ǎn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy."(5)
Như vậy, thi đua không phải là cái gì quá khó khăn, cao xa như mọi người vẫn tưởng, mà thi đua chính là mỗi người có trách nhiệm với công việc, tìm mọi cách làm tốt và vượt mức (nếu có thể) công việc hàng ngày của chính mình.
Thi đua không phải chỉ tiến hành, tổ chức đối với những việc lớn như sản xuất, chiến đấu, mà cả trong những công việc đơn giản, bình thường hàng ngày cũng cần phải thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ. Tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hàng ngày và nhiều người đều thi đua hàng ngày, thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Đây cũng là đòn bẩy, đột phá làm cho các mặt tích cực được chú ý phát hiện, nhân lên những việc làm tốt, những cách làm hay. Qua đó, các nội dung công việc trọng tâm, trọng yếu sẽ được hoàn thành tốt hơn.
Công việc hàng ngày đều cần phải thi đua, nếu được tổ chức, phát động thành phong trào, có tổng kết, rút kinh nghiệm thì tác dụng và hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Đó cũng chính là lý do tháng 6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc xuất bản sách “Người tốt, việc tốt” để mỗi người đều có thể học tập và làm theo. Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước, lợi nhà.
Trong thời đại hiện nay, vị trí, mục tiêu, tầm quan trọng của việc thi đua vẫn không thay đổi, nhưng cách thức thi đua, các biện pháp để thực hành thi đua đã có nhiều bước đổi mới để theo kịp với sự phát triển xã hội. Nhưng, dù có thay đổi thế nào thì quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề thi đua đặc biệt là luận điểm “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua” vẫn luôn đúng đắn và phù hợp với mọi thời đại.
Hơn 70 năm qua, Đảng, nhân dân ta luôn quán triệt và không ngừng vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua và công tác khen thưởng, góp phần to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo tồn, phục hưng và phát triển đất nước, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trên tiền tuyến, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công, ở hậu phương, nhân dân thi đua tăng gia sản xuất giỏi, chống giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Thanh niên thi đua “Năm xung phong”, “Ba sẵn sàng”; phụ nữ thi đua “Ba đảm đang”, thiếu nhi thi đua “Làm nghìn việc tốt”; quân đội thi đua “Ba nhất”; giáo viên, học sinh thi đua “dạy tốt, học tốt”; công nhân thi đua sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”; nông dân thi đua làm thủy lợi, trồng cây, gây rừng…
Trong giai đoạn hiện nay, các phong trào thi đua đã bám sát các nhiệm vụ chính trị của cả nước và của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Với chủ đề thi đua "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" giai đoạn 2016 - 2020, các ngành, các cấp đều hưởng ứng tích cực, bằng nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp, liên tục trên tất cả các lĩnh vực. Tiêu biểu là 4 phong trào thi đua trọng tâm, trọng điểm do Thủ tướng Chính phủ phát động: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.
Các phong trào đã được các cấp, các ngành, các địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện, đặc biệt là được sự hưởng ứng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước, đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội phục vụ cho sự phát triển doanh nghiệp thời kỳ Công nghiệp 4.0, an sinh xã hội được bền vững, nông nghiệp, nông thôn khởi sắc, tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế của đất nước và hội nhập quốc tế.
Mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi địa phương, đơn vị đều cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước thành những phong trào riêng, phù hợp với đặc điểm, tình hình, nhiệm vụ của ngành, địa phương, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, mỗi cá nhân đặt ra những mục tiêu của bản thân, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Mỗi người, thông qua công việc hàng ngày sẽ không ngừng hoàn thiện mình, vươn đến chân - thiện - mỹ. Cũng từ công việc hàng ngày mà lòng yêu nước được củng cố, vun trồng và phát triển.
“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”. Thi đua yêu nước không phải là cái gì chung chung, trừu tượng. Đó là những công việc rất cụ thể, thiết thực. Đó chính là những công việc hàng ngày của mỗi người, và thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn những công việc hàng ngày đó “chính là nền tảng của thi đua”.
Nguyễn Văn Long
(Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội)
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr. 658.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr. 658.
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, T. 6, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr. 571.
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, T. 8, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr. 296.
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 1995, tr. 658.