Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức hội thảo Phổ biến Luật An ninh mạng
03/06/2019 - 15:46

­­­TĐKT- Ngày 31/5 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức hội thảo Phổ biến Luật An ninh mạng, với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan báo chí trong hệ thống LHHVN.

GS.TS. Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức và TS. Đặng Vũ Cảnh Linh chủ trì hội thảo

GS.TS. Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức - Đại biểu QH K14, UV Thường trực UBQPAN của Quốc hội, Viện trưởng Viện Khoa học Cảnh sát (Học viện Cảnh sát Nhân dân - Bộ Công an) và TS. Đặng Vũ Cảnh Linh - UV HĐTƯ, Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức LHHVN chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức trình bày sự cần thiết ban hành của Luật An ninh mạng. Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, không gian mạng là lĩnh vực mới, tác động sâu rộng vào mọi mặt đời sống xã hội, các hành vi trên không gian mạng có thể xâm hại tới độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bí mật nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” của tội phạm mạng, từ khi mạng internet xuất hiện, đã tạo nhiều lợi ích cho con người, tuy nhiên, cũng mang lại những thách thức to lớn. Không gian mạng trở thành nơi “trú ẩn an toàn” cho loại tội phạm mới: Tội phạm mạng Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trên thế giới. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 4 trong nhóm 10 quốc gia bị kiểm soát bởi mạng máy tính ma (máy tính kết nối internet bị hacker, nhiễm vi rút máy tính…)

Hậu quả của việc mất an ninh mạng để lại nhiều hệ lụy phức tạp, ví dụ như: website cảng hàng không bị tin tặc tấn công ảnh hưởng tới hoạt động điều hành bay và đe dọa bay an toàn; Tài khoản ngân hàng của khách bị đột nhập và rút hết tiền; Sử dụng mạng để đăng, phát thông tin sai trái, bịa đặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức…

Để đảm bảo an ninh mạng ngoài giải pháp kỹ thuật, cần phải có hành lang pháp lí cụ thể, rõ ràng để các cơ quan chức năng chủ động trong việc xử lí vi phạm, Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Luật An ninh mạng tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, các tổ chức, cá nhân được hoạt động trên một môi trường không gian mạng quốc gia sẽ được bảo đảm an toàn,lành mạnh, hạn chế tối đa các yếu tố, nguy cơ xâm hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

Trong thực tiễn, việc không quản lí được dữ liệu người dùng và dữ liệu quan trọng quốc gia đã và đang ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quốc gia. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động và tội phạm đang gia tăng việc sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, trong khi các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong điều tra, xác minh, truy tìm, xử lí các trường hợp vi phạm này vì toàn bộ dữ liệu đều được đặt ở nước ngoài.

Tài khoản cá nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn khi Luật An ninh mạng được ban hành. Luật An ninh mạng phù hợp với thông lệ quốc tế, không cản trở hoạt động của doanh nghiệp, không cản trở Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế. Và nay nhiều quốc gia đã ban hành Luật An ninh mạng, cần hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của việc ban hành Luật An ninh mạng.

Việc Quốc hội ban hành Luật an ninh mạng là hết sức cần thiết. Luật An ninh mạng ra đời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển đất nước, tập trung bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trên không gian mạng. Đặc biệt, tạo hành lang pháp lí trong công tác an ninh mạng liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.    

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý để xử lý những đối tượng lợi dụng internet, mạng xã hội chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước và làm tổn hại đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam…

Hồng Thiết