TĐKT- Chiều 16/5, Công ty cổ phần P&A Illances cùng các đối tác tổ chức Tọa đàm “Tái cấu trúc doanh nghiệp gia đình Việt Nam: Thách thức và kiến tạo”.
Tọa đàm “Tái cấu trúc doanh nghiệp gia đình Việt Nam: Thách thức và kiến tạo”
Tọa đàm có sự tham gia của nhiều cố vấn, chuyên gia kinh tế cùng sự góp mặt của hơn 50 các công ty gia đình lớn tại Việt Nam. Mục tiêu của tọa đàm nhằm hỗ trợ các chủ doanh nghiệp Việt Nam, vốn xuất thân từ mô hình sở hữu gia đình, xây dựng và thực thi tốt hơn chiến lược phát triển bền vững và mở rộng quy mô trong giai đoạn mới.
Thực tế cho thấy, top 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp tới 1/4 GDP của Việt Nam trong năm 2018. Mô hình quản trị doanh nghiệp gia đình có nhiều lợi thế như: Sự gắn bó của các thành viên, của ban lãnh đạo và nhân viên chủ chốt.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với một doanh nghiệp do gia đình sở hữu như làm sao để cân bằng được mối quan hệ, áp dụng các nguyên tắc quản trị hiện đại, thu hút nhân tài bên ngoài và đặc biệt là vấn đề xây dựng và thực thi một chiến lược và kế hoạch kế nhiệm.
Trong quá trình xây dựng và thực thi một chiến lược phát triển doanh nghiệp và kế hoạch kế nhiệm (Succession Planning), một doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam thông thường sẽ đứng trước 3 lựa chọn chiến lược chính: Thứ nhất, tiếp tục duy trì mô hình quản trị gia đình nhưng có một Succession Planning rõ ràng và gia đình vẫn duy trì sở hữu chi phối và điều hành; thứ hai, từng bước “đại chúng hóa” qua các bước như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông cho các đối tác chiến lược hoặc quỹ đầu tư vốn cổ phần và qua đó từng bước cải thiện công tác quản trị cũng như tận dụng nguồn lực từ việc bán cổ phần để tiếp tục đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới; thứ ba, chuyển nhượng toàn bộ hoặc chi phối cho các đơn vị trong cùng ngành hoặc các nhà đầu tư nước ngoài.
Các sự lựa chọn chiến lược này sẽ đòi hỏi chủ doanh nghiệp có được sự đánh giá thấu đáo về không chỉ đặc thù của gia đình mình mà còn đòi hỏi có được một tầm nhìn dài hạn và rộng, trong bối cảnh mà các doanh nghiệp tốt và có mô hình kinh doanh tốt đều “có giá” và nhất là trong bối cảnh làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc và Nhật Bản đang xem kênh M&A là hình thức mở rộng kinh doanh ở Việt Nam một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn nhiều so với kênh đầu tư trực tiếp FDI truyền thống.
Hồng Thiết