TĐKT – Ngày 16/5, tại Hà Nội, dự án “thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản” chính thức được khởi động. Đây là một mô hình công nghệ có nhiều ưu điểm vượt trội, được kỳ vọng là phương pháp tiết kiệm ngân sách, hiệu quả trong xử lý căn cơ, triệt để tận gốc hiện tượng “cá chết hàng loạt” và làm sạch sông hồ ở nước ta hiện nay.
Theo giới thiệu về công nghệ Nano-Bioreactor của Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản, Công nghệ Nano-Bioreactor là sản phẩm được cấp bằng sáng chế sở hữu trí tuệ độc quyền tại Nhật và được Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp Quốc chứng nhận về công dụng làm sạch môi trường.
Công nghệ Nano-Bioreactor là sự kết hợp giữa vật liệu xử lý nước thiên nhiên Bioreactor và máy sục khí nano công nghệ Nhật. Vật liệu Bioreactor sẽ kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, làm cho các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên.
Tiến sĩ Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản và Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật giới thiệu về công nghệ
Công nghệ Nano-Bioreactor đã thành công ở nhiều dự án về xử lý ô nhiễm cho các con sông của các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc… Ở các con sông đó thường có nước thải công nghiệp chảy vào. Ở sông Tô Lịch thì lượng nước thải công nghiệp ít hơn, nhưng vấn đề lớn nhất là lượng bùn ở tầng đáy rất lớn làm bốc lên mùi hôi thối rất khó chịu.
“Với thực tế đã từng xử lý ô nhiễm cho các con sông của các nước trên thế giới, cùng quá trình nghiên cứu suốt hơn 2 năm tại sông Tô Lịch, chúng tôi cho rằng đây là bài toán đơn giản, hoàn toàn có thể xử lý được bằng công nghệ Nano-Bioreactor” - Tiến sĩ Tadashi Yamamura khẳng định.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật, một người tâm huyết, luôn nỗ lực tìm kiếm các phương pháp, công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường đánh giá cao: Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản áp dụng theo ý tưởng phát minh mới là đưa hệ thống xử lý kết hợp giữa công nghệ sinh học và công nghệ Nano-Bioreactor, tạo nên “Nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông Tô Lịch” với công suất xử lý cực lớn lên tới 1.350.000 m3/ngày đêm mà không cần phải sử dụng một mét vuông đất nào để xây dựng nhà máy. Toàn bộ nước thải ra sông Tô Lịch sẽ được xử lý trong ngày mà không còn ô nhiễm nữa.
Công nghệ này cũng phân hủy hoàn toàn lớp bùn ở tầng đáy mà không cần nạo vét cơ học, xử lý căn cơ tận gốc, triệt để nguồn gây ô nhiễm tạo ra mùi hôi thối của sông Tô Lịch.
Các công nhân tiến hành lắp đặt thiết bị công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản ở đoạn sông Tô Lịch thí điểm
“Việc dùng công nghệ Nano-Bioreactor là một cuộc cách mạng về xử ly nước ô nhiễm sông hồ hiện nay, giúp cho chúng ta thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách làm cũ để thực hiện theo công nghệ hiện đại nhất, vừa đơn giản, dễ áp dụng lại tiết kiệm được ngân sách Nhà nước” – ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.
Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, công nghệ Nano-Bioreactor đã được sử dụng thành công tại một hồ ở TP Hải Phòng. Việc áp dụng công nghệ này để thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động làm sạch các dòng sông, hồ của Thủ đô và có thể lan tỏa ra địa phương khác.
Theo kế hoạch, sau hai tháng, mô hình thí điểm sẽ được đánh giá kết quả. Hiện tại, mới chỉ triển khai một số máy xử lý nước tại đầu nguồn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây. Theo thông tin từ ban tổ chức, chỉ trong vòng 3 ngày thì những chiếc máy này đã có thể tạo ra điều kỳ diệu.