TĐKT - Tối 14/5, Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam - WIPO năm 2018. Tới dự, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.
Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học, các nhà công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.
Trong nhiều năm qua, giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam đã thực sự trở thành một sự kiện quan trọng đối với tất cả những người quan tâm đến KHCN.
Nhóm nghiên cứu được trao giải nhất Giải thưởng VIFOTEC năm 2018
Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam 2018 có 101 công trình tham dự chia theo 6 lĩnh vực. Hội đồng Giám khảo đã xem xét, đánh giá các công trình và chọn trao giải thưởng cho 45 công trình bao gồm: 4 giải nhất, 11 giải nhì, 14 giải ba, 16 giải khuyến khích.
Nhóm nghiên cứu được trao giải WIPO năm 2018
Trong đó, 4 công trình đạt giải nhất VIFOTEC 2018 là: Công trình "Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR - 152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình" của TS. Trần Hữu Lý - Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng; công trình "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gien kháng kháng sinh" của PGS. TS. Lê Hữu Song - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - Bộ Quốc phòng làm chủ nhiệm; công trình "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất coppha nhựa khung thép" của tác giả Nguyễn Xuân Thủy - Công ty CP thiết kế và phát triển công nghệ xây dựng SPAN; công trình "Nghiên cứu thu hồi giàn chống và các thiết bị trong lò chợ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng cáp thép kết hợp với lưới thép thay thế cho các phương pháp thu hồi truyền thống đảm bảo an toàn, hiệu quả tại Công ty CP than Hà Lầm - Vinacomin" của ThS. Trần Mạnh Cường - Công ty CP than Hà Lầm – Vinacomin.
Đặc biệt, 2 công trình: "Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR - 152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình" của TS. Trần Hữu Lý - Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự - Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng; công trình "Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xác định vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và phát hiện gien kháng kháng sinh" của PGS. TS. Lê Hữu Song - Bệnh viện Trung ương quân đội 108 - Bộ Quốc phòng đã được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao giải WIPO 2018.
Tại buổi lễ, 8 cá nhân chủ nhiệm và đồng chủ nhiệm của 4 công trình đạt giải Nhất VIFOTEC 2018 đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
PGS.TS Lê Hữu Song và TS. Ngô Tất Trung (Bệnh viện 108) được Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
Vinh dự là chủ nhiệm một trong bốn công trình nhận giải nhất VIFOTEC và WIPO 2018, PGS. TS. Lê Hữu Song xúc động cho biết: Giải thưởng là sự ghi nhận nỗ lực, công sức của cả nhóm nghiên cứu trong suốt thời gian dài; đây là nguồn động lực to lớn để các y bác sĩ trong Bệnh viện 108 tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo ra các sản phẩm ưu việt có giá trị trong cuộc sống.
PGS.TS. Lê Hữu Song cho biết: Dựa trên nền tảng thành công của công trình này, trong tương lai 5 - 10 năm, nhóm nghiên cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sẽ triển khai 2 hướng đi:
Thứ nhất, tiếp tục phát triển và thân thiện hóa bộ sinh phẩm cho mục đích phát hiện bệnh vi sinh vật gây nhiễm khuẩn huyết. Ở hướng đi này, Hội đồng khoa học của Bộ khoa học và công nghệ đã thông qua dự án sản xuất thử nghiệm chế tạo Bộ sinh phẩm chẩn đoán một số mầm bệnh gây nhiễm khuẩn huyết thường gặp và gien kháng kháng sinh.
Thứ hai, phát triển phương pháp chẩn đoán nhanh các mầm bệnh truyền nhiễm cấp tính tại hiện trường. Nhóm nghiên cứu đang triển khai công nghệ mới chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, đây cũng là một nội dung trong đề tài mới mà nhóm đã ký kết với Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc Gia NAFOSTED năm 2017.
Ban Tổ chức trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tuyên truyền, phổ biến về Giải thưởng
Tại buổi lễ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tặng Bằng Lao động sáng tạo cho các cá nhân là chủ nhiệm của các công trình được giải nhất, nhì và ba. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo cho các tác giả đoạt giải nhất và tặng Bằng khen cho các tác giả đoạt giải nhì và ba trong lứa tuổi thanh niên.
Dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh đã phát động Giải thưởng VIFOTEC 2019. Bộ trưởng nhấn mạnh, Giải thưởng ngày càng thiết thực, kịp thời động viên, khích lệ phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học, công nghệ trong đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ làm nghiên cứu, doanh nghiệp để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam.
Giải thưởng VIFOTEC 2019 sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ quan trọng gồm: Cơ khí tự động hoá; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin, điện tử và viễn thông, sinh học phục vụ sản xuất và đời sống, công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên và công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ tin tưởng Giải thưởng VIFOTEC 2019 sẽ được cộng đồng các nhà khoa học, cán bộ làm nghiên cứu, doanh nghiệp trong cả nước nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ và tham gia các công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Qua đó, đóng góp thiết thực vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các ngành kinh tế; đảm bảo đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Mai Thảo