TĐKT - Tối 30/6, nhân dịp kỷ niệm Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam 1/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Chương trình “BHYT toàn dân - Chung tay vì sức khỏe cộng đồng". Đến dự Chương trình có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương...
Thay mặt Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Y tế và ngành BHXH cũng như sự đồng tình hưởng ứng, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, tạo nên những kết quả quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHYT. Theo đó, tỷ lệ người tham gia BHYT đã tăng nhanh từ 5,6% dân số năm 1993 lên 63,7% vào năm 2011 và đến nay là trên 82%; phạm vi, quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng, gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; hệ thống thông tin giám định đã liên thông với trên 12.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong toàn quốc...
Bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Nhận thức về vai trò của BHYT tại nhiều nơi còn chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy, chính quyền còn thiếu quyết liệt; việc tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả; việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT của một số doanh nghiệp chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT xảy ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT chưa được khắc phục kịp thời và chưa được xử lý nghiêm, gây bức xúc dư luận.
Vì vậy, để phát triển chính sách BHYT bền vững, hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân và xã hội, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các giải pháp tăng độ bao phủ BHYT, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần quán triệt sâu sắc về vai trò quan trọng của BHYT, coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân"
Cũng tại Chương trình, Thủ tướng đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội nhiệt tình, tích cực tham gia hỗ trợ mua và tặng thẻ BHYT cho những người còn khó khăn, giúp họ có được chỗ dựa khi ốm đau bệnh tật, với tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì sức khỏe cộng đồng. “Giúp người dân tham gia BHYT là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chia sẻ những giải pháp của BHXH Việt Nam về thực hiện BHYT toàn dân, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước sẽ có trên 90% dân số tham gia BHYT. Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam luôn chú trọng phát triển đối tượng tham gia BHYT; đồng thời với việc mở rộng mạng lưới đại lý thu. Hiện nay, cơ quan BHXH đã ký với gần 9.900 tổ chức, gồm 33.000 nhân viên tại 28.000 điểm thu trải khắp cả nước để người dân dễ dàng tiếp cận. Bên cạnh đó, ngành BHXH cũng chủ động đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền để cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách này cũng như về quyền lợi của mỗi người khi tham gia BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết, với mục tiêu BHYT toàn dân, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế và ngành BHXH, còn cần tới sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân và đặc biệt là sự ủng hộ của các cá nhân, tổ chức để giúp đỡ các gia đình còn khó khăn tham gia BHYT. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi người dân tham gia BHYT vì quyền lợi của chính mình và người thân.