TĐKT – Tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại đã in dấu biết bao câu chuyện, khoảnh khắc lịch sử bi hùng của bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân công hỏa tuyến… trong suốt 16 năm gian khổ đối đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ. Những câu chuyện cảm động ấy đã được tái hiện sinh động qua Chương trình nghệ thuật “Người không hát tình ca” do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Công ty Truyền thông Thiên Sơn phối hợp tổ chức tối 12/5.
Chương trình nghệ thuật “Người không hát tình ca”
Đó là câu chuyện về những tập thể, cá nhân Anh hùng, những con người không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu và hành động đánh phá, ngăn chặn của quân thù. Có những cựu chiến binh dù bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam và thương tật trong chiến tranh nhưng vẫn vượt lên đau đớn, khó khăn, tích cực hoạt động nghĩa tình, giúp đỡ đồng đội và những người cùng cảnh ngộ vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
“Mũi tên xanh” trên tuyến lửa
Ra đời vào cuối tháng 3 năm 1966, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải (thuộc Binh trạm 37, Sư đoàn 470, Đoàn 559) tiền thân là Đoàn xe 90 mang biệt danh “Mũi tên xanh”, có hơn 100 xe gaz 63 hai cầu làm nhiệm vụ chở chuyến hàng đầu tiên từ Hà Nội vào Trường Sơn giao hàng tại bản Tà Xẻng phía Tây tỉnh Kon Tum gần ngã ba Đông Dương tháng 4/1966.
Từ Đoàn xe 90 làm nòng cốt, sau này, Đoàn 559 thành lập Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải trực thuộc Binh trạm 8 phục vụ chiến trường Đông Dương gồm mặt trận B2, B3, Nam Lào và Cam-pu-chia. Tuyến hoạt động của Tiểu đoàn 58 từ ngã ba Phi Hà đến Tà Ngâu (Cam-pu-chia) đường 49, đường 128A, đường 128B, 128C qua khu vực Tây Nguyên. Do yêu cầu nhiệm vụ, sau này, Tiểu đoàn 58 lại trực thuộc Binh trạm 37, Sư đoàn 470.
Suốt 10 năm (1966 - 1975) làm nhiệm vụ trên những cung đường quân sự quanh co, nhỏ hẹp, vượt qua nhiều dốc cao, vực sâu, dưới thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa” có 10 trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch như đèo 32, dốc 200, ngầm Xê Xụ, ngầm 42, đèo Ang Bun…, Tiểu đoàn 58 đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
Đại tá, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mỗi, nguyên chiến sĩ lái xe Đại đội 2, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải nhớ lại: Khu vực hoạt động của Tiểu đoàn 58 được mệnh danh là “Rốn sốt rét của Đông Dương”, vì vậy có thời điểm tiểu đoàn bị sốt rét 100% quân số. Mùa mưa năm 1968, 1969 đường vận chuyển bị nước lũ bao vây và bị địch đánh phá rất ác liệt, bộ đội ta bị đói, mỗi ngày một người chỉ được 1 lạng gạo. Để duy trì sự sống, bộ đội phải vào rừng đào củ mài, củ chuối rừng đem về chế biến làm lương thực thay cơm. Bom đạn và nạn đói làm cho Tiểu đoàn 58 bị tổn thất có lúc lên đến 60% quân số.
Tuy phải vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, nhưng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 58 vẫn kiên cường vươn lên trưởng thành trong chiến đấu. Nhiều tấm gương tiêu biểu đã xuất hiện như Trần Văn Thắng, Hoàng Văn Thái, Cẩm Bá Đức, Nguyễn Văn Khang… Đặc biệt, ngày 31/12/1973, Tiểu đoàn 58 Ô tô vận tải được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Cây sáng kiến của Trường Sơn
Làm nhiệm vụ ở Trạm X340, Trung đoàn 265, Đoàn 559, đồng chí Nguyễn Văn Tân, nguyên Trạm phó của Trạm X340 được mệnh danh là cây sáng kiến “biến không thành có, biến khó thành dễ”.
Đồng chí Nguyễn Văn Tân kể lại: Mùa mưa năm 1966, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường bằng đường bộ không thực hiện được vì lũ lụt, bộ đội ta phải dựa vào phương thức vận tải bằng đường sông. Nhưng vào thời điểm đó, các cánh quạt nước (chân vịt) của thuyền máy bị va vào đá ngầm trên sông hầu hết đều bị gãy làm cho thuyền máy không thể hoạt động được, nhưng không có phụ tùng thay thế.
Cái khó ló cái khôn, đồng chí Tân nghĩ ra sáng kiến tìm gỗ tốt trong rừng đẽo thành chân vịt gỗ để thay thế chân vịt sắt đạt kết quả tốt. Nhờ có sáng kiến này, bộ đội vận tải đường sông không phải chèo thuyền bằng tay vừa chậm vừa vất vả, năng suất vận chuyển thấp, lại phải hoạt động cả ban ngày dễ bị máy bay địch phát hiện đánh phá gây tổn thất.
Có lần, máy bơm nước tự động làm mát máy bị hỏng nhưng không có phụ tùng thay thế, đồng chí Tân đã nghĩ ra cách làm mát máy trực tiếp bằng phương pháp đặt một thùng nước trên cao rồi dùng tuy ô dẫn nước chảy trực tiếp qua thân máy.
Mùa khô năm 1967, phụ tùng thay thế hầu như không có. Đồng chí Tân và đồng đội phải tổ chức tháo dỡ phụ tùng ở các xe bị địch đánh hỏng trên các trọng điểm đem về thay thế để cho đơn vị luôn có đủ đầu xe hoạt động. Cũng bằng cách làm này, đồng chí Tân đã lắp ráp thành công một chiếc xe cẩu để tháo lắp thân máy nặng hàng tấn mỗi khi sửa chữa ô tô vừa tiết kiệm được nhân lực lao động, vừa nâng cao năng suất và tiết kiệm thời gian cho xe ra xưởng nhanh.
Nhờ có chiếc xe cẩu tự tạo ấy, mùa khô năm 1972, đồng chí Tân và đồng đội đã sửa chữa thành công một chiếc xe tăng của ta bị hỏng ly hợp tại trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch ở Km 42 trước sự thán phục của bộ đội Tăng - Thiết giáp.
Bằng việc không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiết kỹ thuật trong khi làm nhiệm vụ để tiết kiệm mồ hôi xương máu cho đồng đội, đồng chí Nguyễn Văn Tân đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1973.
Mối tình đầu dang dở
Bà Tạ Thị Hoán, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 5, Đội 25 (sau này chuyển sang quân đội công tác ở Binh trạm 14, Đoàn 559) có một tình yêu với người đồng đội cùng quê tuy không trọn vẹn nhưng vô cùng thánh thiện. Mối tình đầu ấy được bà ghi lại trong cuốn nhật ký đến bây giờ bà vẫn còn giữ được, là kỷ niệm buồn đi suốt cuộc đời.
Bà Hoán tâm sự: “Tôi và Thắng ở cùng đơn vị C452 - Đội 25 TNXP tỉnh Hà Nam nhưng khác xã, khác tiểu đội. Hai chúng tôi đều là Tiểu đội trưởng, cùng gia nhập TNXP chống Mỹ cứu nước ngày 28/6/1965, cùng làm nhiệm vụ ở đường 20 Quyết Thắng. Tôi quen Thắng qua Thanh An - một cô bạn cùng quê, Thắng để ý tôi lúc nào tôi không biết, cho đến ngày 17/2/1966, Thắng mới chính thức gửi thư đặt vấn đề yêu tôi. Tôi bất ngờ và vô cùng bối rối kèm theo sợ nữa vì theo quy định của cấp trên, TNXP sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ mới được yêu.”
Cuối năm 1966, đơn vị của họ đóng quân tại đỉnh U Bò (Km37). Ông đã nói như khẳng định: “Nếu chiến tranh không cướp đi một trong hai đứa, hòa bình rồi Thắng sẽ báo cáo với bố mẹ cho chúng ta làm đám cưới, Hoán hãy tin lời nói của Thắng như dao chém đá, không bao giờ rút lại. Sự nghiệp chống Mỹ đang cần chúng ta, mình còn có 4 ước mơ: Một là trở thành đảng viên, hai là trở thành anh lính cụ Hồ, ba là trở thành họa sĩ, bốn là được đón Hoán về làm vợ...”
Thế nhưng trớ trêu thay, chiều 29/10/1968, trước khi đế quốc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc hai ngày, ông đã hy sinh trong khi đi kiểm tra tuyến giữa hai trận bom B52. Năm ấy, ông vừa tròn 20 tuổi và hơn 1 năm tuổi Đảng.
“Tôi vĩnh viễn mất Thắng từ ngày ấy. Ngày 1/11/1968 tôi theo đơn vị lên cắm cờ tại biên giới Việt Lào rồi đến bên mộ Thắng thắp hương lên mộ anh trong niềm đau đơn tột cùng.” – Bà Hoán nghẹn ngào.
Bài thơ “Ly biệt” là cội nguồn của những trang nhật ký, nó là một trong 47 bài trong tập thơ “Kỷ niệm một thời” bà Hoán tái bản lần thứ 2 nhân dịp nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng: “Anh bảo rằng chiến tranh/ Là vô cùng khốc liệt/Là mất mát đau thương/Là cách chia ly biệt/ Sao anh lại thầm yêu/ Sao anh lại trộm nhớ/ Để đời em trăn trở/ Bởi nụ hôn vội vàng”.
Vượt lên nỗi đau, tri ân đồng đội
Trở về quê sau 3 năm gắn bó với Trường Sơn, mang trong mình chất độc da cam/dioxin, chị Mai Thị Thọ, Trưởng Ban liên lạc Nữ Trường Sơn tỉnh Phú Thọ, Cựu chiến binh Sư đoàn 473, Đoàn 559 vừa đi học vừa dạy mẫu giáo ở TP Việt Trì.
Ngày ấy, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, để có tiền nuôi sống gia đình, chị Thọ phải đem chiếc vỏ chăn và những bộ quần áo bộ đội cắt may thành quần áo trẻ em mang ra chợ bán. Năm 1991, vì cuộc mưu sinh và để không ảnh hưởng đến thanh danh nhà giáo, chị Thọ xin nghỉ hưu non ở nhà chạy chợ kiếm tiền chữa bệnh cho con.
Những tưởng, bằng sự chịu thương, chịu khó chăm lo cho hạnh phúc gia đình, chị sẽ gặt được những mùa quả ngọt. Nào ngờ, sau 4 lần chị mang nặng đẻ đau, vất vả nuôi con hàng chục năm trời, bốn đứa con của chị đều lần lượt ra đi vì bị bệnh hiểm nghèo.
Khi nỗi đau mất con chưa kịp nguôi ngoai, vợ chồng chị lại chia tay mỗi người một ngả cùng với bản tình ca dang dở. Cũng từ đây, ngôi nhà này chỉ còn chị và đứa cháu nội mồ côi cha, bị mẹ bỏ rơi đang bị bệnh thấp tim mỗi tháng phải đi viện đôi lần.
Giờ đây, mỗi khi nhớ về quá khứ, chị Thọ lại ngồi thơ thẩn một mình nhìn cuộc đời qua ô cửa nhỏ và những kỷ niệm buồn đến rồi đi trong cuộc đời mình.
Tuy vậy, vượt lên nỗi buồn riêng, chị Thọ tích cực tham gia hoạt động nghĩa tình đồng đội. Những tấm bằng khen của các cấp, các ngành trao tặng chính là sự ghi nhận công lao của chị trong việc giúp đỡ hội viên nỗ lực vươn lên xóa đói, giảm nghèo trên quê hương Phú Thọ.
Phương Thanh