TĐKT - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm (XHTN) Fitch Ratings đã có thông cáo báo chí nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB.
Việc cải thiện triển vọng XHTN của Việt Nam lên mức tích cực thể hiện ghi nhận của Fitch đối với thành quả của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện chất lượng và hiệu quả điều hành kinh tế, góp phần tăng cường mức đệm dự phòng trước những cú sốc từ bên ngoài thông qua bảo đảm thặng dư tài khoản vãng lai, giảm dần nợ Chính phủ trong khi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ cao và lạm phát ổn định.
Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ khoảng 6,7%
Theo đánh giá của Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công và đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018.
Tổ chức này dự báo nợ Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020. Nợ công của Việt Nam theo tính toán của Fitch cũng giảm xuống còn khoảng 58% GDP vào cuối năm 2018. Đây là kết quả được Fitch đánh giá cao trong bối cảnh chỉ tiêu nợ công tiệm cận mức trần 65% GDP được Quốc hội cho phép vào cuối năm 2016 và có sự đóng góp của việc kìm hãm bội chi ngân sách thấp hơn dự toán, thực hiện chủ trương siết chặt cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa cao hơn kế hoạch đề ra.
Việt Nam tiếp tục tập trung phấn đấu tạo nền tảng vĩ mô ổn định vững chắc hơn trong những năm tiếp theo, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất cũng như mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp, cũng góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 sẽ khoảng 6,7%, trong mục tiêu từ 6,6 - 6,8% do Quốc hội đề ra. Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tạo áp lực lên dòng chảy thương mại khu vực và có khả năng ảnh hưởng mạnh tới các nền kinh tế có độ mở thương mại lớn.
Tuy nhiên, Fitch nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất so với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như so với nhóm các nước đồng hạng BB, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế chi phí thấp.
Hơn nữa, có dấu hiệu cho thấy Việt Nam có thể hưởng lợi dưới tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong thời gian qua từ việc dòng thương mại chuyển hướng ra khỏi Trung Quốc.
Fitch nhìn nhận cơ chế tỷ giá hối đoái của Việt Nam nhìn chung được điều hành linh hoạt hơn, tuy vậy quy mô dự trữ ngoại hối so với nhu cầu thanh toán quốc tế vẫn thấp hơn trung vị của các nước với XHTN quốc gia tương đồng.
Những điểm yếu mang tính cơ cấu của khu vực ngân hàng tiếp tục là lý do Fitch đưa ra cho việc hệ số tín nhiệm quốc gia chưa ở mức cao hơn. Nhu cầu tái cấp vốn của khu vực ngân hàng vẫn bị coi là rủi ro đối với Chính phủ và tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao trong những năm vừa qua có khả năng ảnh hưởng tiêu cực lên tính ổn định của hệ thống tài chính.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn từ những vấn đề chưa được giải quyết triệt để đối với một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn cũng có khả năng gây áp lực lên nền tài chính công, tuy nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Hồng Thiết