TĐKT - Ngày 11/5, tại Trung tâm hội nghị Quốc tế Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế phiên tiếng Việt với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Ban Phật giáo quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam điều phối chính tại các diễn đàn Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo có sự tham gia của gần 1000 đại biểu chia đều cho 5 hội trường bao gồm các nhà khoa học trong nước và quốc tế, lãnh đạo bộ, ban, ngành, các nhà nghiên cứu, học giả, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương, các nhà hoạt động xã hội, doanh nhân cùng tăng ni phật tử quan tâm đến chủ đề của Hội thảo.
Hội thảo Khoa học quốc tế với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững” được tổ chức với mục đích nêu bật tinh thần đóng góp của Phật giáo vào kho tàng tri thức nhân loại. Đồng thời, đóng góp tích cực vào giải pháp về các vấn đề đời sống xã hội toàn cầu.
Ngày nay, thế giới có quá nhiều biến đổi lớn nên cụm từ “Phát triển bền vững và lãnh đạo toàn cầu” không còn mang ý nghĩa riêng biệt, diễn đạt các tình huống hỗn loạn nhất thời nữa. Phật pháp nhấn mạnh đến việc thấu hiểu kinh Phật khi xử lý các vấn đề chúng ta phải đối mặt, tìm hiểu đặc điểm và bối cảnh thay đổi trong thời hiện tại cần phải nhận thức triết lý Phật giáo cũng như tập trung vào việc cung cấp sự thấu hiểu xuyên suốt và tích cực thay đổi làm sáng tỏ bản chất trong cách tiếp cận của nhà Phật.
Đại lễ Vesak 2019 là sự kiện quan trọng được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ, hòa bình, bất bạo động, bảo vệ môi trường, sống hạnh phúc của đức Phật trên khắp thế giới. Đại lễ còn là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò, vị trí của Phật giáo Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên Hợp Quốc.
Hội thảo đã nhận được gần 110 bài viết của các học giả trong nước. Gần 100 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo được chia làm 5 diễn đàn tập trung vào 5 nội dung chính: Sự lãnh đạo bằng chánh niệm vì hòa bình bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; cách tiếp cận của Phật giáo về giáo dục đạo đức toàn cầu; Phật giáo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.
Tất cả các nghiên cứu và tham luận của các học giả nhằm định hình hướng đi rõ nét hơn cho con người trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đặc biệt là định hướng thay đổi và tăng tốc để phù hợp với bước chuyển mình của các quốc gia trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển chánh niệm vì hòa bình bền vững, giáo dục đạo đức toàn cầu, gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe nhằm góp phần giúp xã hội phát triển, thế giới an hòa.
Sau mỗi phiên Hội thảo, các học giả trong mỗi diễn đàn nhiệt tình tham gia phần vấn đáp rất sôi nổi, đưa ra những ý tưởng mới cho “cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Lễ công bố ra mắt Mạng xã hội Phật giáo – Butta.vn
Chiều cùng ngày, Ban Tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc đã tổ chức Lễ công bố ra mắt Mạng xã hội Phật giáo – Butta.vn dành cho tăng ni, Phật tử, những người yêu mến đạo Phật có cơ hội tiếp cận, học hỏi, mở rộng Phật pháp, cập nhật thông tin từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo đồ trên toàn thế giới.
Ngoài ra, Ban Tổ chức kết hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ ra mắt bộ Tem Bưu chính nhằm kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đó là sự Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết bàn.
Phương Thanh