TĐKT - Hội thảo về “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế tại Việt Nam” đã diễn ra ngày 26/4, tại Hà Nội. Trong chương trình, đại diện Bộ Y Tế đã khẳng định xu hướng ứng dụng trí tuệ nhân tạo là tất yếu trong ngành y tế, việc triển khai cần phải được thực hiện quyết liệt và sâu rộng, không thể trì hoãn.
Dự Hội thảo có: PGS. TS. Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cùng các cán bộ, chuyên viên của Cục Công nghệ thông tin và các Vụ, Cục của Bộ Y tế, đại diện một số Sở Y tế, bệnh viện trung ương và địa phương, các tập đoàn, công ty công nghệ trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, trường đại học công nghệ hàng đầu Việt Nam.
Toàn cảnh Hội thảo
PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế cho biết: Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ Y tế đã xác định 3 mục tiêu cụ thể là: Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh, góp phần thực hiện tốt Chương trình sức khỏe Việt Nam. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) toàn diện tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần cải cách hành chính và giảm quá tải bệnh viện; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý y tế, triển khai hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử về thủ tục hành chính, đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến mức 3,4, xây dựng nền quản trị y tế thông minh.
Để đạt được các nục tiêu trên, Bộ Y tế đề ra 10 nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới: Xây dựng cơ chế, chính sách, phát triển hạ tầng CNTT y tế, ứng dụng CNTT trong chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh thông minh với nội dung chính là xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân và xây dựng các phần mềm cảnh báo dịch bệnh thông minh, phần mềm hỗ trợ khám, chữa bệnh thông minh với nội dung chính là tập trung xây dựng bệnh viện thông minh; xây dựng và hình thành nền quản trị y tế thông minh với nội dung chính là xây dựng văn phòng điện tử và triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; nhiệm vụ về phát triển nhân lực CNTT, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, truyền thông giáo dục sức khỏe và cơ chế tài chính.
PGS.TS. Trần Quý Tường khẳng định việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong y tế là nhu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng người bệnh. “Trí tuệ nhân tạo cũng như các công nghệ mới luôn cần thời gian để hoàn thiện trước khi đi vào thực tế. Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của thời đại, Việt Nam không thể trì hoãn. Chính vì thế, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong công tác hợp tác triển khai, phù hợp với môi trường xã hội Việt Nam đồng thời theo kịp xu hướng phát triển công nghệ thông tin trên thế giới”.
Bên cạnh đó, đại diện của Vụ Công nghệ cao - Bộ Khoa học và Công nghệ là TS. Lý Hoàng Tùng chia sẻ tình hình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh “Trong giai đoạn gần đây, Nhà nước có nhiều hỗ trợ về mặt chính sách và pháp lý nhằm khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi trí tuệ nhân tạo trong mọi mặt của đời sống”.
Tại Hội thảo, nhiều giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong lĩnh vực y tế đã được các chuyên gia trình bày. Các giải pháp ứng dụng đều cho thấy khả năng triển khai thực tế tại Việt Nam, cũng như tác dụng to lớn trong việc nâng cao quản lý bệnh viện, chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, giảm tỷ lệ người Việt Nam ra nước ngoài điều trị.
Trong chương trình, các chuyên gia về trí tuệ nhân tạo của Five9 Việt Nam và IBM đã có những bài giới thiệu ban đầu về các hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho lĩnh vực y tế: IBM Watson for Oncology và Hệ thống phân tích gene (IBM Watson for Genomic).
IBM Watson for Oncology là hệ thống trí tuệ nhân tạo nhằm gợi ý cho các bác sĩ ung bướu phác đồ điều trị ung thư cho từng người bệnh. Sau thời gian triển khai thử nghiệm tại các Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện ung bướu Hồ Chí Minh và Bệnh viện Phú Thọ, Bộ Y tế đã thành lập Hội đồng xem xét phần mềm IBM Watson for Oncology ứng dụng trong tư vấn hỗ trợ điều trị ung thư tại Việt Nam. Hội đồng đã khẳng định sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo IBM Watson for Oncology góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam và khuyến nghị áp dụng trên diện rộng tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.
Cũng tại buổi Hội thảo, hai bệnh viện hàng đầu về điều trị ung thư tại Việt Nam là Bệnh viện K và Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh khẳng định, trong thời gian sắp tới sẽ đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ điều trị ung thư, giúp người bệnh được hưởng nhiều lợi ích hơn trong quá trình điều trị và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh cho biết đã chính thức triển khai hệ thống IBM Watson for Oncology. Bệnh viện K cũng cho biết sẽ sớm triển khai rộng rãi tại các cơ sở của Bệnh viện.
Đại diện lãnh đạo của IBM Watson Health mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ và toàn diện với Bộ Y tế Việt Nam, Five9 Việt Nam trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng vào thực tiễn các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong lĩnh vực y tế.
Công ty cổ phần Five9 Việt Nam cũng cam kết tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo và ngành y tế giúp cho ngày càng nhiều người bệnh tại Việt Nam được hưởng lợi từ nền y tế tiến tiến.
Minh Phương