TĐKT - Hơn 30 năm công tác trong lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Đại tá Nguyễn Đình Ba (sinh năm 1964), Bí thư Đảng ủy, Giám thị Trại giam Gia Trung luôn chủ động, nỗ lực sáng tạo không ngừng, đề ra nhiều giải pháp, cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng quản lý và giáo dục cải tạo phạm nhân, được nhân rộng và phổ biến trong toàn lực lượng. Năm 2019, anh vinh dự được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Tiếp nối truyền thống vì nước quên thân
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam – nơi từng chịu sự tàn phá khốc liệt nhất của chiến tranh, năm lên 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Đình Ba đã sớm mồ côi mẹ bởi bà đã anh dũng hy sinh khi tham gia làm nhiệm vụ trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chính hoàn cảnh thiệt thòi đó đã tôi luyện, làm nên một Nguyễn Đình Ba mạnh mẽ, tự lập và tràn đầy tình yêu thương.
Đầu quân vào ngành công an (năm 1984), trước các hoạt động phản động của tổ chức Fulro trải dài ở khắp các tỉnh Tây Nguyên, anh được phân công về Công an tỉnh Gia Lai - Kon Tum làm nhiệm vụ trực tiếp tham gia công tác chống Fulro và quản lý hành chính về trật tự xã hội nơi đây. Với bản lĩnh và tài trí, anh đã giúp nhiều người dân lầm lỡ trở về với chính nghĩa, về với bản làng và người thân của mình.
Mang theo những kinh nghiệm thực tiễn ấy, năm 1986, anh về công tác tại Trại giam T15 thuộc Công an tỉnh Gia Lai - Kon Tum (nay là Trại giam Gia Trung thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an).
Trại đóng trên địa bàn 4 xã của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai – một địa điểm nóng phức tạp về dân tộc, tôn giáo, với tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60% dân số; bao gồm 13 bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số Bana và Tày sinh sống. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Đời sống kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định do hoạt động chống phá của bọn phản động Fulrô lưu vong, tin lành Đề ga, tà đạo Hà Mòn...
Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung (thứ ba từ phải sang) được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Trại giam Gia Trung được giao quản lý số lượng lớn phạm nhân có mức án cao, nhiều tiền án, tiền sự. Đặc biệt, tình trạng phạm nhân móc nối với đối tượng bên ngoài đưa điện thoại di động, vật cấm vào trại giam cất giấu, sử dụng nổi lên phức tạp, nhức nhối; làm phát sinh các yếu tố, nguy cơ gây mất ổn định, an toàn trại giam. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ của trại không tăng, địa bàn rộng nên công tác quản lý, giám sát phạm nhân gặp không ít khó khăn.
Với trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp cùng sức sáng tạo không ngừng, Đại tá Nguyễn Đình Ba đã tham mưu cũng như tổ chức thực hiện nhiều hoạt động, góp phần xây dựng trại giam trở thành nơi tu dưỡng nhân cách, làm lại cuộc đời cho nhiều phận người không may vướng vào vòng lao lý.
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, với vai trò là người đứng đầu Trại giam Gia Trung, anh cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ đoàn kết xây dựng đơn vị liên tục 10 năm đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, trong đó năm 2015 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, các năm 2009, 2011, 2013, 2018 được tặng Cờ thi đua của Bộ Công an. Đặc biệt năm 2015, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.
Sáng tạo trong đánh thức những mầm thiện
Hơn 30 năm gắn bó với nghề cảnh sát trại giam, với anh đây là một nghề đặc biệt, tuy chịu nhiều gian nan, vất vả, thậm chí phải chấp nhận hy sinh hạnh phúc của bản thân, nhưng nó mang lại cho anh nhiều xúc cảm. Mỗi một cuộc đời lầm lỡ được đánh thức, hồi sinh chính là động lực để anh tiếp tục công việc nơi đất trại đầy gian nan.
Anh cho biết: Làm nghề này, thường xuyên va chạm tiếp xúc với những mặt trái của xã hội, với những tội phạm, những người đã hoặc đang mang trong mình những mầm ác; nếu không có đạo đức tốt và lập trường quan điểm vững vàng thì rất dễ bị sa ngã hoặc bị những yếu tố tiêu cực chi phối. Bên cạnh việc vững vàng, kiên định, chí công vô tư, người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát trại giam còn rất cần có một tấm lòng nhân ái, vị tha.
“Phạm nhân dù phạm tội gì đi nữa thì trong họ luôn còn một phần lương tri của con người; bởi vậy công việc của người cán bộ cảnh sát trại giam không chỉ đơn thuần là quản lý phạm nhân mà cần phải đánh thức được mầm thiện trong con người của họ, giúp họ tìm được những suy nghĩ tích cực, để có một cuộc sống mới tốt hơn sau khi ra trại.” - anh Ba chia sẻ.
Vì vậy, những năm qua, bằng trái tim của một người cán bộ hết lòng mong muốn sự hoàn lương ở các phạm nhân, anh đã áp dụng sáng tạo nhiều giải pháp đem lại hiệu quả cao trong quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân như: Tổ chức chương trình đối thoại giữa giám thị, cán bộ quản giáo với phạm nhân theo định kỳ tháng, quý, 6 tháng, một năm để phạm nhân nêu lên những suy nghĩ, tâm tư nguyện vọng và phản ánh những ưu, nhược điểm của cán bộ. Qua đó, xóa đi sự mặc cảm giữa người vi phạm pháp luật với người quản lý thi hành án phạt tù, tạo thêm niềm tin và tinh thần tự giác cải tạo trong phạm nhân.
Lớp dạy nghề thêu cho phạm nhân nữ ở Trại giam Gia Trung
Bên cạnh đó, anh còn có những sáng kiến thấm đậm chất nhân văn trong tổ chức Hội nghị gia đình phạm nhân, bằng việc cho mời thân nhân những phạm nhân cải tạo tốt đến đơn vị tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tạo không khí thân tình, cởi mở, để phạm nhân coi trại giam như ngôi nhà thứ hai, từ đó vươn lên cải tạo tốt.
Anh có sáng kiến xây dựng Quỹ tấm lòng vàng để giúp đỡ, tặng quà cho những phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, tết... Qua đó, giúp phạm nhân và thân nhân gia đình họ hiểu rõ hơn về chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta; thấy rõ vai trò, trách nhiệm của gia đình, sự đồng thuận của xã hội trong việc công tác quản lý, giáo dục phạm nhân sớm trở lại hòa nhập với cộng đồng.
Cùng với đó, nhằm trang bị cho phạm nhân học tập được một nghề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng, Đại tá Nguyễn Đình Ba đã quan tâm, chú trọng trang bị kiến thức văn hóa, dạy nghề cho các phạm nhân.
Trại giam Gia Trung đã phối hợp cùng với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Mang Yang tiến hành phổ cập văn hóa tiểu học; liên kết với trường Trung cấp nghề Gia Lai, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây nguyên để dạy nghề và cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân. 5 năm qua, đã có 29 phạm nhân sau khi ra trại được nhận vào làm tại các cơ sở, công ty, doanh nghiệp trên đại bàn tỉnh.
Với các phương pháp quản lý, giáo dục sáng tạo, thiết thực đó, nhiều năm qua, hàng ngàn phạm nhân thuộc Trại giam Gia Trung đã tự giác tham gia mọi hoạt động giáo dục cải tạo. Nổi bật trong công tác này là đã làm chuyển biến nhận thức của từng phạm nhân, từ mặc cảm đến yên tâm và tự giác chấp hành cải tạo, nhiều phạm nhân có mức án cao 20 năm đến chung thân không còn tư tưởng chống đối hoặc âm mưu trốn khỏi nơi giam giữ. Từ năm 2012 đến nay, trại giam Gia Trung đã có trên 9.000 lượt phạm nhân được các cấp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, hàng trăm phạm nhân được đặc xá ra tù trước thời hạn.
Đáng nói là, những mô hình, sáng kiến của Đại tá Nguyễn Đình Ba trong giáo dục cải tạo phạm nhân đã được nhân rộng, học tập trong toàn lực lượng, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân.
Xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc
Đơn vị đóng quân trên địa bàn rộng ở Tây nguyên còn nhiều khó khăn, lại phức tạp về tôn giáo nên tình hình an ninh chính trị tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định.
Nhận thức được điều này, bên cạnh làm tốt công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, Đại tá Nguyễn Đình Ba còn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế rừng vừa tăng thu nhập cho đơn vị, vừa cải tạo môi trường sinh thái. Đồng thời, xây dựng nên mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc tại địa phương, tạo được tình cảm tốt đẹp, gắn bó quân dân ngày càng thắm thiết, tạo nên thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên địa bàn nơi đơn vị đóng quân.
Hàng năm, Trại tổ chức trồng hàng trăm héc ta cây keo mang lại thu nhập cao. Từ năm 2008 đến nay, Trại đã trồng được gần 500 héc ta cây cao su, hiện đã có hơn 200 héc ta đến kỳ khai thác mủ, phục vụ cho công tác lao động dạy nghề phạm nhân và đảm bảo cho sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của đơn vị. Đồng thời, có thêm điều kiện hỗ trợ nhân dân địa phương xây dựng nhà đại đoàn kết, trường học, nhận nuôi trẻ mồ côi, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào, vận động trẻ em bỏ học đến trường...
Hơn 30 năm không ngừng cống hiến trong nghề cảnh sát trại giam, anh vinh dự được Đảng và Nhà nước, Bộ Công an, các cấp các ngành tặng thưởng nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (năm 2007), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2013), Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2015), Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm 2016).
Từ năm 2009 đến nay, anh liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, năm 2014, 2017 đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND”. Mới đây, năm 2019 anh vinh dự là 1 trong 6 đồng chí thuộc Bộ Công an được trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Đây là nguồn khích lệ, động viên để người những người chiến sĩ Cảnh sát trại giam nói chung và cá nhân Đại tá Nguyễn Đình Ba nói riêng tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, giúp những đối tượng lầm đường, lạc lối về lại với cuộc đời.
Mai Thảo