Hướng tới mức lương đủ sống đối với công nhân ngành may mặc
12/04/2019 - 15:46

TĐKT - Chiều 11/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo cấp quốc gia về chủ đề “Thực trạng thu nhập của lao động ngành may mặc ở Việt Nam và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống” với sự tham gia của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp là thành viên của tổ chức Fair Wear Foundation.

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, nhãn hàng, tổ chức công đoàn, đại diện các hiệp hội và các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia từ tổ chức quốc tế đã cùng nhau thảo luận về thực trạng trả lương trong ngành may mặc, những rào cản của việc trả lương đảm bảo nhu cầu sống cơ bản của người lao động và những giải pháp.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), ngành dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, người lao động trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản của người lao động.

Ông Quảng cho biết: Tiền lương cơ bản của trung bình của người lao động (làm đủ giờ công) năm 2018 là 4.670.000 đồng. Tuy nhiên, ngành may chỉ đạt 4.225.000 đồng, thấp nhất trong 7 ngành khảo sát.

Để có thể đáp ứng nhu cầu của cuộc sống thực tế, người lao động thường lựa chọn làm thêm giờ. Hiện tượng đình công trong ngành may có tỷ lệ cao nhất, năm 2018 ngành may có 84 cuộc đình công, chiếm tỷ lệ 39,25% các cuộc đình công của cả nước.

Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội.

Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.

Bà Kim Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành CDI cho rằng, người lao động trong ngành may có cuộc sống rất bấp bênh, những nhu cầu cơ bản của người lao động như ăn uống có dinh dưỡng, đảm bảo về sức khỏe, được ở gần gia đình, có tiền mua thuốc khi ốm đau..., cũng là những thứ xa vời. Người lao động chỉ còn cách là giảm chi tiêu tới mức tối đa và làm tăng ca khiến sức khỏe giảm sút.

Theo bà Hà, xây dựng mức lương tối thiểu hàng năm cần thiết phải dựa vào việc đáp ứng các nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Đa số các đại biểu đều cho rằng, khi tiền lương trở thành nguồn thu nhập chính đảm bảo đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị – xã hội, nâng cao chất lượng tăng trưởng bền vững.

Thục Anh