TĐKT – Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2011, đến nay, sau 8 năm, với những cách làm sáng tạo và linh hoạt, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhiều điểm nhấn; trở thành huyện thứ 2 của tỉnh hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM.
Diện mạo nông thôn hiện đại
Những ai đã từng đặt chân đến Quảng Xương – một huyện đồng bằng ven biển tỉnh Thanh Hóa 8 năm trở về trước, chắc chắn hôm nay khi trở lại sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi sự vươn mình, bứt phá, bởi sự thay da đổi thịt của mảnh đất và con người nơi đây.
Hình ảnh một huyện thuần nông, với những con đường đất đá ghồ ghề, những tuyến đường bị ngập úng vào mùa mưa, hay những trục đường nội đồng bằng đất trước đây đã được thay thế bằng đường bê tông thẳng tắp, khang trang. Chân đi đến đâu, đường rải nhựa, đường bê tông chạy dài theo tới đó. Nhiều ngôi nhà mới mọc lên san sát; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt…
Đó là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất của cả chính quyền và nhân dân huyện Quảng Xương trong suốt 8 năm không ngừng nỗ lực thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp hiện đại, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân
Tám năm triển khai, toàn huyện đã huy động được gần 4800 tỷ đồng vào xây dựng NTM. Từ nguồn kinh phí này, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học và các thiết chế văn hóa trên địa bàn được đầu tư nâng cấp, làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng tích cực.
Trong đó, huyện đầu tư nâng cấp, làm mới được 34,7 km đường huyện, xây mới 11 cầu, 324 cống các loại, kiên cố hóa 281,4 km kênh mương. Trên địa bàn huyện không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát, tỷ lệ nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng trên địa bàn đạt 94,07%.
Huyện cũng xây mới và đưa vào sử dụng 22 công trình công sở xã; nâng cấp, sửa chữa, xây mới 16 chợ, 43 trường học với 221 phòng học và 72 nhà hiệu bộ; xây mới và cải tạo, nâng cấp nhiều công trình y tế, nhà văn hóa và công trình điện, công trình nước trên địa bàn…
Chính sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đồng thời trở thành động lực thúc đẩy kinh tế xã hội của huyện Quảng Xương.
Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt
Xác định nội dung chủ yếu, quan trọng nhất, yếu tố quyết định sự bền vững, lâu dài của chương trình xây dựng NTM là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của nhân dân, từ 2011 đến nay huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa dựa vào lợi thế của địa phương.
Bắt đầu từ thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, sau đó huyện đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; khai thác lợi thế của từng địa phương, quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành và phát triển các chuỗi giá trị.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng lúa năng suất chất lượng cao với diện tích đạt trên 4500 ha/năm; các vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; vùng sản xuất cói tập trung; các vùng chăn nuôi gia súc tập trung; vùng nuôi thủy sản…
Mô hình trồng rau thủy canh tại Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong cách mới (huyện Quảng Xương)
Đồng thời, huyện cũng có nhiều cơ chế chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thu hút các doanh nghiệp về đầu tư, phát triển hạ tầng các khu du lịch trên đại bàn huyện; tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh…
Nhờ đó, đến nay, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011 - 2018 của huyện đạt 14,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 40,3 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3,3 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 24,8% năm 2010 xuống còn 3,25% năm 2018.
Song song với phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, môi trường sống của địa phương này cũng ngày càng được bảo vệ. An ninh trật tự được giữ vững. Bản sắc văn hóa được gìn giữ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
29/29 xã đã có tổ vệ sinh môi trường thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển rác đến vị trí tập kết. Từ năm 2012, huyện triển khai thực hiện mô hình xây dựng lò đốt rác thải hộ gia đình, chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân thực hiện phân loại rác trước khi xử lý.
Tính đến nay, toàn huyện đã xây được 15.527 lò đốt, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn huyện. Toàn huyện có 29/29 xã đạt danh hiệu “xã đạt chuẩn văn hóa NTM”...
Với những nỗ lực toàn diện, không ngừng, đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Quảng Xương đã được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận hoàn thành 9 tiêu chí huyện NTM và đang chờ Trung ương thẩm định, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Nhìn lại chặng đường đã qua trong phong trào xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Xương thực sự tự hào. Đó không chỉ là thành quả của sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện mà còn là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành Trung ương, của tỉnh và cộng đồng các doanh nghiệp.
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì phong trào xây dựng NTM theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2020, huyện Quảng Xương có 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt trên 75 triệu đồng/năm, hộ nghèo cơ bản được xóa.
Hưng Vũ