TĐKT – Ngày 22/3, tại Hà Nội, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập.
Trong suốt thời gian 20 năm xây dựng và phát triển, CDIT luôn trung thành với sứ mệnh thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) Việt Nam bằng sự tâm huyết và những nỗ lực không mệt mỏi. CDIT đã tích cực tham gia đóng góp vào hoạt động khoa học - công nghệ của nước nhà bằng việc chủ động trong nghiên cứu công nghệ mới, nắm bắt làm chủ công nghệ mạng lưới, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ với hàm lượng công nghệ cao được thị trường đón nhận.
Chương trình văn nghệ Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Viện CDIT
Cụ thể, sau 20 năm, CDIT đã có 7 sản phẩm được giải thưởng VIFOTEC; được Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng Cờ Đơn vị áp dụng xuất sắc các công trình đoạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ; đã có 8 sản phẩm được hợp chuẩn quốc gia; 17 sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả, 6 nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ, 6 sản phẩm đoạt cúp vàng công nghệ thông tin...
CDIT đã vinh dự 3 lần được nhận Huân chương Lao động các hạng: Hạng Ba năm 2004, hạng Nhì năm 2009 và hạng Nhất năm 2014. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực đóng góp của CDIT đối với sự nghiệp khoa học công nghệ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ của CDIT trong các giai đoạn khác nhau đã vươn đến mọi miền của Việt Nam và ngày càng khẳng định vị trí của CDIT trong xã hội, đó là những giải thưởng đáng tự hào nhất cho đội ngũ cán bộ của CDIT.
Thời gian gần đây, các công nghệ mới xuất hiện nhiều và nhanh hơn. Nhờ sức mạnh của hạ tầng kết nối ICT, các công nghệ này được kết hợp với nhau tạo nên sức mạnh đột phá được đề cập đến như Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tiềm năng của các công nghệ mới rất lớn và Việt Nam đang mong muốn khai thác, xem đó như một đòn bẩy đưa đất nước phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, do khoảng cách về mặt công nghệ của các doanh nghiệp Việt với các công nghệ mới còn khá lớn nên việc khai thác đó không hề đơn giản.
CDIT nhận thấy, để thu hẹp khoảng cách này cần đồng thời có sự hiểu biết sâu sắc về bản chất của các công nghệ mới; sự đồng cảm với nhu cầu và khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và phải có năng lực chuyển giao công nghệ làm cho các công nghệ này phù hợp với khả năng tiếp nhận của cộng đồng doanh nghiệp hơn là yêu cầu doanh nghiệp phải hiểu về sự phức tạp của công nghệ.
“Với bề dày tri thức được tích lũy trong 20 năm nghiên cứu ứng dụng, với vị thế là một đơn vị nghiên cứu trực thuộc một trường đại học lớn trong lĩnh vực ICT, Viện CDIT thấy có trách nhiệm với xã hội trong việc đưa Việt Nam khai thác thành công tiềm năng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đây cũng là sứ mệnh của Viện CDIT trong thời gian tới. Sứ mệnh này rất vẻ vang, rất thách thức nhưng cũng là cơ hội rất to lớn cho sự phát triển của Viện CDIT trong những năm tiếp theo.” - TS Nguyễn Trung Kiên, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông CDIT khẳng định.
Hưng Vũ