Chủ trì buổi họp báo có Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Lâm Phương Thanh. Cùng dự có Thứ trưởng LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại họp báo
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, 70 năm qua (1947-2017), công tác thương binh – liệt sĩ và người có công với cách mạng đã đạt thành tựu to lớn và quan trọng. Hệ thống chính sách ưu đãi người có công đã được nghiên cứu, hoàn thiện và đi vào cuộc sống; đến nay đã bao phủ hầu hết các đối tượng có công với cách mạng, đại bộ phận người có công được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Qua các thời kỳ, pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã nhiều lần được sửa đổi, bổ sung, đáp ứng được với thực tiễn cuộc sống. Đa số người có công được xác nhận và thụ hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước. Số lượng đối tượng người có công được công nhận và thực hiện chế độ người có công ngày càng tăng. Các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh để hỗ trợ đời sống cho gia đình người có công.
Từ năm 2007 - 2017, tổng kinh phí trợ cấp cho người có công là 133.306 tỷ đồng. Phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng được phát triển sâu rộng từ Trung ương đến địa phương thông qua việc xây dựng Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, phong trào đăng ký và phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng... Chỉ tính riêng từ năm 2007 đến năm 2016, Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa của Trung ương đã vận động được hơn 41,36 tỷ đồng; Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 4.124 tỷ đồng.
Cuộc sống của gia đình người có công được cải thiện. Năm 2002, 17% gia đình người có công với cách mạng có mức sống thấp hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đến cuối năm 2016 đã có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú...
Công tác tìm kiếm, quy tập liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ; việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được chủ động và đạt kết quả tích cực.
Về các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã hoàn tất các công việc cơ bản cho hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Các hoạt động kỷ niệm được tổ chức đa dạng ở cả Trung ương và địa phương: tổ chức dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ; Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc; cầu truyền hình tri ân các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng; lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang trên toàn quốc; phát động, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn, đáp nghĩa; phát động cuộc vận động sáng tác các thể loại truyện ngắn, truyện thơ, bút ký, hồi ký…; tổ chức bình chọn các tác phẩm văn học tôn vinh người có công với cách mạng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách và các trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng…
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cũng thông tin về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.
Hồng Thiết