TĐKT – Ngày 20/3, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam.
Toàn cảnh Diễn đàn
Chương trình được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn đa chiều, thảo luận về phát triển đầu tư tiếp thị và thúc đẩy thị trường bán lẻ tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm và mở rộng hợp tác để đưa thị trường bán lẻ phát triển đa dạng.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhận định: Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường thương mại trong nước. Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại rộng lớn.
Hiện nay, cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp mọi miền. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn 2011 - 2015 có mức tăng 11,38%/năm; giai đoạn 2016 - 2018 tăng 10,55%/năm. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn từ nay đến năm 2020 ước khoảng 13%/năm, giai đoạn 2021 - 2025 là 14%/năm.
Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2010 lên đến 158 tỷ USD năm 2016 và dự kiến là 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016.
Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế, bất cập: Thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh phát triển thương mại trong nước một cách bền vững; thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi.
Hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và tương xứng với nhu cầu của khách hàng.
Thói quen của người tiêu dùng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước.
Phương Thanh