TĐKT - Năm 2018 khép lại, Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành tựu trong công tác giảm nghèo. Tính đến ngày 15/10/2018, thành phố hoàn thành chương trình hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho 4.166 hộ nghèo, đạt 103% kế hoạch với tổng kinh phí hỗ trợ 423,5 tỷ đồng. Nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả, bền vững, trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16% (theo chuẩn nghèo đa chiều), về đích trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Thanh Xuân là một trong 4 quận đầu tiên của thành phố không còn hộ nghèo. Để bạn đọc có một cái nhìn cụ thể cũng như có cơ hội học tập, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác nỗ lực giảm nghèo của địa phương này, phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân về vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân trả lời phỏng vấn của phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng
Phóng viên: Trước hết, xin cảm ơn ông đã tham gia trao đổi với chúng tôi ngày hôm nay. Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của công tác giảm nghèo của quận Thanh Xuân trong năm 2018?
Ông Nguyễn Xuân Lưu: Cuối năm 2017, Thanh Xuân có 46 hộ nghèo và 84 hộ cận nghèo. Năm 2018, thành phố giao chỉ tiêu cho quận Thanh Xuân giảm 5/46 hộ nghèo. Với quyết tâm xóa hộ nghèo, Thường trực Quận ủy đã thống nhất chỉ đạo quyết liệt phấn đấu giảm 100% hộ nghèo. UBND quận đã xây dựng Kế hoạch với các biện pháp, lộ trình thực hiện cụ thể trên cơ sở điều kiện kinh tế xã hội của quận, chú trọng quan tâm giảm nghèo bền vững. Hàng loạt giải pháp như sửa chữa nhà ở, hỗ trợ vay vốn sản xuất, kinh doanh, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; miễn giảm, hỗ trợ chi phí học tập được triển khai.
Đến hết tháng 11/2018, quận đã hoàn thành kế hoạch, hỗ trợ 46 hộ thoát nghèo (vượt 41 hộ so với chỉ tiêu thành phố giao, tương đương 920%), trong đó có 14 hộ thoát hẳn nghèo, 32 hộ chuyển sang hộ cận nghèo và là 1 trong 4 quận không còn hộ nghèo.
Phóng viên: Trong năm 2018, thực tế triển khai công tác giảm nghèo của quận đã gặp những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì? Quận đã thực hiện các giải pháp, chính sách cụ thể như thế nào để không còn hộ nghèo ?
Ông Nguyễn Xuân Lưu: Quận ủy, HĐND - UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Thanh Xuân luôn xác định phải tập trung ưu tiên công tác giảm nghèo nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Với quyết tâm không còn hộ nghèo, quận và các phường đã phân tích kỹ nguyên nhân để có sự hỗ trợ hiệu quả.
Trên cơ sở đó, các đơn vị thuộc quận phối hợp chính quyền cơ sở gặp gỡ, trao đổi với các hộ nghèo để tìm giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp từng trường hợp. Tổ chức rà soát chia thành các nhóm để có giải pháp trợ giúp trực tiếp và lâu dài phù hợp với nhu cầu của các hộ như: Nhu cầu việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, đỡ đầu trẻ em đi học.
Quận lựa chọn hỗ trợ các phương tiện làm việc cụ thể, tạo điều kiện để các hộ có nghề, tự lao động nuôi sống bản thân và gia đình
Quận tập trung vào các giải pháp mang tính bền vững lâu dài, tạo thu nhập, việc làm để khuyến khích tinh thần, ý chí tự vươn lên giảm nghèo của các hộ như: Tặng xe máy làm phương tiện vận chuyển (xe ôm, chở hàng), hỗ trợ các điểm bán hàng cố định, cho vay vốn... Từ hỗ trợ này, có hộ gia đình không chỉ thoát nghèo, mà đã vươn lên có mức sống trung bình.
Ngân sách quận đã dành 20,340 tỷ đồng từ nguồn tăng thu để ủy thác qua Ngân hàng chính sách cho vay giải quyết việc làm với lãi suất thấp: 0,55%/tháng ( 6,6%/năm ) chủ yếu là dùng tín chấp từ các hội, đoàn thể. Trong năm 2018, đã có 593 hộ vay vốn, hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 600 lao động, tổng dư nợ vốn vay là 20,259 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác giảm nghèo của quận cũng gặp 1 số khó khăn: Nhân khẩu của các hộ nghèo đa phần là người quá tuổi lao động, có trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật... không có khả năng lao động để vươn lên thoát nghèo. Với các trường hợp này, quận huy động trợ cấp thường xuyên từ Quỹ Vì người nghèo của quận, của phường, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân. May mắn khi quận nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ rất tích cực từ các tổ chức xã hội, cơ quan, doanh nghiệp cá nhân trên địa bàn, cùng chung sức để có những hoạt động thiết thực cho công tác giảm nghèo.
Phóng viên: Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, những điển hình tiên tiến vươn lên thoát nghèo và hỗ trợ giảm nghèo được quận áp dụng triển khai như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Lưu: Quận Thanh Xuân chú trọng công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của phường và hệ thống cổng thông tin điện tử. Trong đó, quận tập trung biểu dương khen thưởng các gương điển hình trong công tác nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình khó khăn; cập nhật những chính sách ưu đãi của nhà nước về hỗ trợ vay vốn, các chương trình tuyển dụng lao động, các lớp dạy nghề, tư vấn định hướng nghề nghiệp, giúp cho các gia đình có lực lượng lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, khuyến khích tinh thần tự vươn lên thoát nghèo, mở ra hướng phát triển kinh tế chủ động và bền vững...
Bên cạnh đó, quận tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống các tệ nạn xã hội; gắn công tác giảm nghèo với các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Người tốt - việc tốt”, tương thân, tương ái...
Phóng viên: Công tác giảm nghèo bền vững là mục tiêu mà nhiều địa phương hướng đến. Vậy với quận Thanh Xuân, năm 2019 và những năm tiếp theo, công tác giảm nghèo của quận đặt ra những mục tiêu cũng như giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Lưu: Nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác an sinh xã hội nói chung và giảm nghèo bền vững nói riêng, quận Thanh Xuân tiếp tục đặt mục tiêu và đưa vào kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện năm 2019:
Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; nâng cao năng lực và nhận thức cho hộ cận nghèo nói riêng, nhân dân nói chung cùng tham gia vào công tác giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.
Hỗ trợ trực tiếp, trợ giúp vay vốn kinh doanh, dạy nghề, tạo việc làm tăng thu nhập và các chính sách hỗ trợ dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, trợ giúp pháp lý, tiếp cận thông tin cho hộ cận nghèo;
Tiếp tục có chính sách hỗ trợ đối với hộ mới thoát nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn để không phát sinh hộ nghèo mới, không tái nghèo, đảm bảo mục tiêu thoát nghèo bền vững, dần tiếp tục giảm các hộ cận nghèo trên địa bàn. Đến năm 2019, UBND quận dành 30,34 tỷ đồng ủy thác qua ngân hàng chính sách để cho vay giải quyết việc làm, dự kiến có khoảng trên 800 hộ được vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 800 lao động.
Mặc dù không còn hộ nghèo, nhưng công tác giảm nghèo của quận vẫn được đặc biệt quan tâm. Việc rà soát được tiến hành thường xuyên, liên tục, từ đó có kế hoạch giải quyết kịp thời để không ai bị tụt lại phía sau trước sự phát triển nhanh của xã hội, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông !
Mai Thảo (thực hiện)