TĐKT - Hy sinh thầm lặng, cất giấu những ước muốn riêng tư để vun vén cho mỗi bước đi của những đứa trẻ khuyết tật, hơn 20 năm qua, bà Phan Thị Phúc (số 24, ngõ 47 Nguyên Hồng, Ðống Ða, Hà Nội), tình nguyện là người thầy, người mẹ của những số phận bất hạnh trong “ngôi nhà hạnh phúc” - câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội.
“Đến với nhau bằng tấm lòng vàng/ Để yêu thương tỏa sáng nhân gian/ Với cuộc đời đầy nghĩa nặng tình sâu/ Người với người sống để yêu nhau” - Đó là bài hát quen thuộc mà suốt hơn 20 năm qua “mẹ Phúc” và “đàn con thơ dại” trong CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội cùng cất lên vào đầu mỗi buổi học diễn ra vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần.
Bà Phan Thị Phúc năm nay đã gần 80 tuổi, vốn là diễn viên kịch, từng phụ trách quản lý Đội kịch trẻ em của Nhà hát Tuổi trẻ. Trước đây, do thường xuyên đi biểu diễn ở các trường học, dạy múa hát cho các em nhỏ nên bà có tình yêu đặc biệt với trẻ em, nhất là đối với những trẻ em khuyết tật.
Bà Phan Thị Phúc xúc động khoe những thành tích của CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội
Kể về cơ duyên đến với CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội, bà Phúc cho biết, trong một lần đến giao lưu văn nghệ với các bạn nhỏ tại Trường tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa), bà bị thu hút bởi ánh mắt như biết nói của trẻ em bị khuyết tật nơi đây.
“Đó là những đứa trẻ chậm chạp, ngọng nghịu, không theo kịp các bạn cùng trang lứa, nhưng vẫn cố bắt nhịp, thở hổn hển. Chúng rất thích và có năng khiếu nghệ thuật như múa, hát, vẽ tranh… Tuy nhiên, vì học cùng với trẻ em bình thường nên chúng rất khó theo kịp. Hơn nữa, các em rất dễ bị mặc cảm, tự ti về bản thân. Tôi đã trăn trở rất nhiều và nung nấu ý nguyện thành lập một lớp học riêng, ở đó các em được thỏa sức sáng tạo, từ đó nhân lên sự tự tin, yêu đời, giúp các em hòa nhập với cuộc sống dễ dàng hơn. ” - bà Phúc nhớ lại.
Những trăn trở ấy của bà may mắn nhận được nguồn hỗ trợ từ Tổ chức Cứu trợ phát triển Mỹ SERS và sự ủng hộ nhiệt tình của Ban Giám hiệu Trường tiểu học Trung Tự cùng nhiều nhà hảo tâm. Năm 1995, CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội ra đời – trở thành mái nhà chung của những đứa trẻ kém may mắn.
Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, bà Phúc cho biết: Ban đầu, CLB mượn góc sân Trường tiểu học Trung Tự để luyện tập, sau đó được nhà trường tạo điều kiện cho sử dụng một căn phòng rộng gần 100 m2 để sinh hoạt hàng tuần.
Những đứa trẻ đến với lớp học của bà ngày ấy cũng rất ngô nghê và sống khép mình. Có những cháu khuyết tật đến dị dạng; có cháu bị thiểu năng trí tuệ, đứa thì mắc phải hội chứng down hay tự kỷ… Việc giao tiếp với chúng đã khó, việc dạy hát, dạy múa cho chúng còn khó hơn gấp bội.
Bà Phan Thị Phúc vinh dự được nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2018
Ðể khắc phục khó khăn, bà Phúc đã tham khảo cách dạy nghệ thuật cho người khuyết tật ở các nước phát triển rồi triển khai áp dụng tại CLB. Những ngày cuối tuần, bà ăn, ngủ cùng; thường xuyên gần gũi, chia sẻ yêu thương với các em; từ đó khéo léo dạy cho chúng biết những điều đơn giản nhất, từ chăm sóc, yêu thương bản thân mình cho đến giúp đỡ cha mẹ trong công việc gia đình, biết làm điều tốt…
Càng gắn bó, bà Phúc càng rút ra nhiều kinh nghiệm. Bà nhận ra, nghệ thuật có thể giúp các em hòa nhập xã hội, nhưng không thể giúp các em kiếm sống. Vì vậy, bà thường kết hợp việc dạy nghệ thuật và dạy nghề cho các em.
Bà lựa chọn những nghề đơn giản và vừa sức với các em: Sửa chữa điện dân dụng, đan móc, làm các đồ thủ công mỹ nghệ... để dạy các em. Những em thích học may bà sẽ nhờ máy khâu và giáo viên trường trung cấp nghề đến dạy. Với các em muốn học tin học văn phòng, nghề thủ công, bà nhờ một vài thầy giáo bên Trường đại học Bách khoa sang giúp đỡ…
Đến nay, đa phần các em khi hoàn thành việc học nghề đều đã tìm được công việc nuôi sống bản thân, có nhiều em đã xây dựng gia đình, có cuộc sống hạnh phúc như mong muốn.
Đưa ánh mắt nhìn hơn 30 đứa trẻ đang theo học trong CLB, người mẹ hiền Phan Thị Phúc xúc động: Nếu không xuất phát từ cái tâm và không kiên trì chắc chắn tôi không thể đồng hành với bọn trẻ đến hôm nay. Chỉ khi nhìn vào sự háo hức của chúng, sự hạnh phúc của phụ huynh, tự dưng bao khó khăn, mệt nhọc mình phải đối diện đều tan biến một cách nhẹ nhàng.
Tấm lòng nhân ái của “mẹ Phúc” đã lan tỏa đến nhiều người. Ðồng hành cùng CLB suốt những năm qua còn có những diễn viên múa, giáo viên thanh nhạc, những thầy giáo, cô giáo tại các trường dạy nghề... Họ là những người quen biết bà từ trước hoặc vô tình biết đến lớp học đặc biệt này, họ tình nguyện cùng bà chung tay giúp đỡ những đứa trẻ thiệt thòi hòa nhập cuộc sống, mà không nhận một đồng tiền công nào.
Dù nay đã 78 mùa xuân, “mẹ Phúc” vẫn luôn muốn được tiếp tục gắn bó với những số phận bất hạnh kia, luôn tình nguyện thầm lặng đứng sau “ngôi nhà hạnh phúc”… Để rồi hơn 20 mùa xuân cống hiến, bù đắp cho những trẻ em khuyết tật với tấm lòng nhân hậu, sẻ chia vì cộng đồng, “mẹ Phúc” đã vinh dự được nhận giải thưởng Tình nguyện quốc gia 2018.
Song Thảo