Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị (trước đây là Chi cục Bảo vệ thực vật và Phòng Trồng trọt) được thành lập theo Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 25 tháng 2 năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT).
Từ khi thành lập đến nay, Chi cục luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành và thực thi pháp luật về sản xuất trồng trọt, giống cây trồng nông nghiệp, sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, phân bón, bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật nội địa, thuốc bảo vệ thực vật, khử trùng và quản lý dịch vụ công thuộc phạm vi được giao trên địa bàn tỉnh.
Tập thể cán bộ Chi cục
Thành tích nổi bật của Chi cục trong thời gian qua là đã thực hiện tốt công tác tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Cụ thể là đã tham mưu Sở phân tích, lựa chọn các hướng phát triển chủ lực dựa trên tiềm năng và lợi thế của địa phương, trong đó tập trung chủ yếu phát triển vùng sản xuất tập trung lúa chất lượng cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; xây dựng vùng chuyên canh tập trung cây công nghiệp dài ngày gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; xây dựng vùng chuyên canh tập trung cây công nghiệp dài ngày gắn với chế biến và xuất khẩu, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất ngô hàng hóa gắn với chế biến và phát triển chăn nuôi; xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn... Từ đó đã nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thăm nông dân thu hoạch dứa
Đồng chí Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng cho biết: Hiện nay, diện tích cánh đồng lớn đạt hơn 6.000 ha, tăng 3.270 ha so với năm 2017, quy mô mỗi cánh đồng từ 20 - 25 ha, tập trung ở 4 huyện trọng điểm lúa trên địa bàn tỉnh là Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng.
Thực hiện quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản thuộc các dự án cánh đồng lớn, thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện được nhiều mô hình sản xuất cánh đồng lớn, diện tích tăng qua các năm, hiệu quả mang lại cao hơn so với sản xuất đại trà.
Đặc biệt, mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ, áp dụng công nghệ Obi- Ong biển (300 ha) tiếp tục khẳng định hiệu quả trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, từng bước xây dựng thành công thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị; mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh ứng với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 - 1,5 lần so với sản xuất truyền thống, giảm đáng kể phát thải khí nhà kính nhờ áp dụng quy trình canh tác tiên tiến.
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra mô hình dứa tái cơ cấu tại xã Cam Thủy, Cam Lộ
Được biết, Quảng Trị cũng là địa phương đầu tiên triển khai mô hình liên kết 5 nhà với sự tham gia của Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông, nhà phân phối đã cho thấy hiệu quả thiết thực.
Thông qua việc hợp tác với Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị thực hiện mô hình liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ, người nông dân ngày càng nâng cao nhận thức về canh tác theo hướng hữu cơ, giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo ra sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, được sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT, từ cuối năm 2017, Chi cục đã chủ trì phối hợp với UBND huyện Gio Linh, UBND xã Trung Giang, Công ty TNHH Sumitomo và Công ty TNHH Seibu Nousan Việt Nam để thảo luận xây dựng kế hoạch, nội dung và triển khai mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Đến nay, đã xây dựng được 2 nhà màng với quy mô 500m2, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện 2 vụ sản xuất dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản.
Kết quả cho thấy dưa lưới trồng trong nhà kính, sử dụng giá thể bằng đất cát, cây sinh trưởng và phát triển tốt, mỗi cây cho 1 - 2 quả, trọng lượng mỗi quả từ 1,5 - 2 kg, sản lượng thu được gần 2000 kg, chất lượng dưa lưới đạt cao (ngọt, giòn, thơm) và đã kết nối với siêu thị Intimex - Hà Nội tiêu thụ hết toàn bộ.
Đánh giá tổng quan, sản xuất lúa gạo của tỉnh Quảng Trị trong những năm qua đã đi đúng hướng với việc đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng chủ yếu các giống mới chất lượng cao, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày và cực ngắn, các sản phẩm lúa gạo của Quảng Trị đã có uy tín và được người tiêu dùng trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận ưa chuộng.
Diện tích lúa chất lượng cao của tỉnh được quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh tập trung, chủ động về tưới tiêu, đảm bảo sản xuất có hiệu quả.
Hội nghị tổng kết đánh giá đầu bờ mô hình lúa hữu cơ tại Hải Thượng, Hải Lăng
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành cà phê, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo về giống cà phê chất lượng cao, nghiên cứu, thử nghiệm các giống cà phê chè mới để bổ sung, thay thế dần giống cà phê Catimor đã thoái hóa, năng suất và chất lượng thấp.
Hiện nay, tỉnh đã trồng mới và tái canh được 135 ha cà phê, đạt 90% kế hoạch; riêng diện tích trồng mới và tái canh năm 2018 là 150 ha, đạt 100% kế hoạch; việc tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu cho cà phê Khe Sanh đã có bước phát triển mạnh mẽ.
Cùng với đó, thị trường tiêu dùng cà phê trong tỉnh đã chuyển biến theo hướng sử dụng cà phê Arabica rang xay nguyên chất hoặc cà phê có thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng xuất khẩu cà phê Khe Sanh trực tiếp qua Mỹ và châu Âu.
Đối với cây cao su, tỉnh đang có định hướng chuyển đổi sang trồng những loại cây nhanh cho thu hoạch cũng như ít chịu ảnh hưởng của thiên tai (dứa, bơ, cam, bưởi...). Bên cạnh đó, tiếp tục chăm sóc diện tích cao su còn lại và chỉ thực hiện trồng mới ở những vùng thích hợp, phù hợp với quy hoạch của tỉnh về cây cao su.
Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, kiểm dịch, Chi cục đã có nhiều nỗ lực, chủ động diệt trừ nguồn bệnh tránh lây lan trên diện rộng, thường xuyên tham mưu Sở các giải pháp phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh Lùn sọc đen gây hại trên cây lúa; bệnh chết nhanh, ngập úng trên cây hồ tiêu; bệnh thối nõn dứa; bệnh trên cây gừng, cây nghệ... Qua đó, đã bảo vệ sản xuất an toàn, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra, góp phần tạo nên những vụ mùa bội thu, năng suất và sản lượng cao.
Với những thành tích đạt được, trong nhiều năm liền (từ 2011 đến 2017), Chi cục luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được công nhận là Tập thể Lao động xuất sắc; được tặng Bằng khen của UBND tỉnh (năm 2011, 2014, 2015, 2017, 2018), Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và PTNT năm 2012, 2015.
Đặc biệt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã được tặng Cờ thi đua của Chính phủ về thành tích xuất sắc trong năm 2018. Đây là niềm khích lệ lớn lao, cổ vũ, động viên, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho cán bộ, nhân viên Chi cục phấn đấu đạt thành tích cao hơn trên chặng đường phía trước.