TĐKT - Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 được tổ chức tại Hà Nội trong 2 ngày (27-28/2) là một trong những sự kiện được quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới hiện nay. Tại Hà Nội, sự kiện này cũng đang thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt với người dân Thủ đô và du khách quốc tế đến với Hà Nội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 vào ngày 27 - 28/2.
Cả thế giới đang hướng về Hà Nội
Đây là hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, sự kiện được thế giới theo dõi sát sao, với kết quả có thể ảnh hưởng đến vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ đô Hà Nội của Việt Nam được chọn là địa điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, đây không chỉ là dịp để Việt Nam quảng bá hình ảnh của đất nước, mà còn làm nổi bật tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như tầm ảnh hưởng đối với khu vực.
Đặc biệt, sự kiện này càng có thêm ý nghĩa khi được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, đúng vào dịp thành phố chuẩn bị kỷ niệm 20 năm được Tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Việt Nam đang trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới với việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2.
Vụ trưởng Vụ Báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng chia sẻ: Đây là sự kiện quốc tế thu hút được sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng và dư luận quốc tế. Có thể nói, cả thế giới đang hướng về Hà Nội, hướng về Việt Nam. Đây chính là một cơ hội rất tốt để truyền thông về chính sách đối ngoại của Việt Nam, thể hiện mong muốn của Việt Nam được tham gia đóng góp vào kiến tạo hòa bình của khu vực và thế giới.
Đây cũng là cơ hội để quảng bá về đất nước, con người, các thành tựu phát triển mọi mặt của Việt Nam, về hình ảnh một Việt Nam tươi đẹp, người dân thân thiện, mến khách, có nhiều tiềm năng hợp tác và đầu tư, là điểm đến du lịch an toàn cho du khách quốc tế.
Nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế
Việt Nam được lựa chọn làm nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2, giới truyền thông cũng như nhiều chuyên gia quốc tế nhận định đây là một cơ hội lớn để Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Ông Hunter Marston, nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings cho rằng, việc Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra sự kiện quan trọng này cho thấy vị thế ngoại giao ngày càng tăng của Việt Nam. Việt Nam là một thành viên quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trong ASEAN và cũng là một đối tác ngoại giao quan trọng đối với nhiều nước trên thế giới.
Ông Marston nhận định, đây không chỉ là cơ hội tốt để Việt Nam nâng cao hơn nữa vị thế của mình và cho thấy khả năng tổ chức thành công các sự kiện lớn như hội nghị của ASEAN và Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 ở Đà Nẵng, mà còn là thời điểm quan trọng để Việt Nam phát huy vai trò của mình, góp phần vào hòa bình của khu vực và thế giới.
Cùng nhận định trên, bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Viện CSIS, cho rằng: Trong những năm gần đây, Việt Nam đã cho thấy khả năng tổ chức thành công nhiều hội nghị thượng đỉnh cũng như các sự kiện lớn. Cũng giống như Singapore, Việt Nam có an ninh rất tốt và là quốc gia có nền kinh tế năng động trong khu vực, có tiềm năng lớn với lực lượng lao động hiệu quả, có dòng vốn đầu tư lớn vì lực lượng nhân công có trình độ chuyên môn cao.
Việt Nam có những chính sách kinh tế tốt khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) nên Việt Nam là một mô hình kinh tế cho những nước trong khu vực. Theo bà, thành công to lớn của Việt Nam ngày càng được công nhận trên trường quốc tế.
Theo ông Richard Cronin, cố vấn phụ trách các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương, Viện Stimson, việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 là cơ hội để Việt Nam thể hiện tiềm năng phát triển kinh tế cũng như sự cởi mở với thế giới. Đây không chỉ là dịp để Việt Nam quảng bá hình ảnh của đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng mà còn làm nổi bật tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như tầm ảnh hưởng đối với khu vực.
Việt Nam sẽ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2020 và đang nỗ lực trở thành nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Tất cả những yếu tố này sẽ nâng cao tầm vóc và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyon nhận xét: “Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được tổ chức tại Việt Nam cho thấy, Việt Nam nhận được sự tin tưởng to lớn trong vai trò thúc đẩy hòa bình thế giới”.
Việt Nam từ một nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới, đã ngày càng lớn mạnh, chứng minh được vị thế của mình trên trường quốc tế. Với đường lối đối ngoại đa phương hóa “muốn làm bạn với tất cả các nước”, Việt Nam đã chứng tỏ mình là một đất nước yêu chuộng hòa bình, một điểm đến an toàn và an ninh, ngày càng hội nhập sâu rộng trong các hoạt động khu vực và thế giới.
Việt Nam cũng chứng tỏ kinh nghiệm và năng lực tổ chức các hội nghị cấp cao thế giới. Chỉ trong năm 2018, Việt Nam đã tổ chức một loạt các hoạt động khu vực và quốc tế như Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV 10).
Nổi bật nhất là tháng 9/2018, Việt Nam đã tổ chức rất thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF-ASEAN) 2018. WEF đã đánh giá, đây là một trong những hội nghị thành công nhất trong 27 năm qua.
Rõ ràng là, việc Việt Nam được lựa chọn làm nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 đã khẳng định uy tín và vị thế của Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế. Qua sự kiện này, Việt Nam sẽ càng được biết đến như một nhân tố đóng góp cho hòa bình và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Hồng Hạnh (tổng hợp)