Ngay từ những ngày đầu non trẻ của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng và nêu lên những quan điểm cơ bản về ưu đãi người có công với cách mạng. Đánh giá rất cao công lao, thành tích của các thương binh, liệt sĩ, gia đình quân nhân, những cá nhân và gia đình có công với cách mạng, Hồ Chủ tịch đã viết: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc với nhân dân. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, chính sách đối với người có công đã được Đảng và Nhà nước ta thể hiện trong quan điểm khẳng định thực hiện công tác ưu đãi người có công với cách mạng là góp phần củng cố vững chắc hậu phương, tạo sức mạnh cho tiền tuyến đánh giặc lập công.
Văn bản pháp luật đầu tiên về ưu đãi người có công với cách mạng là Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký ngày 16/2/1947, sau đã được bổ sung bằng Sắc lệnh số 242/SL ngày 12/10/1948 quy định tiêu chuẩn xác nhận thương binh, truy tặng “tử sĩ”, thực hiện chế độ “ lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất” đối với gia đình liệt sĩ.
Khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, bước sang thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, Đảng và Nhà nước ta vẫn xác định công tác thương binh, liệt sĩ là một trong những vấn đề lớn của nước ta.
Mười năm sau ngày giải phóng (1975 - 1985) là giai đoạn có những thay đổi to lớn trong đời sống xã hội của nước ta. Pháp luật ưu đãi càng có những thay đổi, bổ sung để khắc phục một số bất hợp lý, giải quyết một khối lượng lớn công việc do hậu quả của chiến tranh để lại, hình thành một hệ thống văn bản pháp quy có hiệu lực thực hiện thống nhất trong cả nước, phục vụ cho yêu cầu của giai đoạn mới. Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quy định bổ sung, sửa đổi về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp ưu đãi và quy định thống nhất thực hiện chính sách ưu đãi trong phạm vi cả nước...
Trao quà cho Thương, bệnh binh tại tỉnh Hà Giang
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã nêu rõ một nguyên tắc chung là chế độ ưu đãi phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và được bảo đảm bằng ngân sách Nhà nước.
Điều đáng lưu ý nhất là chế độ trợ cấp hàng tháng đã từng bước phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế hàng hoá theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Trợ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công trong thực tế so với trước đây không còn đơn thuần là sự liệt kê bao cấp (định tính) mà đã mang tính định lượng cụ thể, sát thực, khách quan và linh hoạt; góp phần ổn định đời sống người có công với cách mạng, tạo điều kiện cải thiện rõ rệt đời sống một bộ phận người có công có hoàn cảnh đặc biệt như các Bà mẹ Việt nam Anh hùng, người có công giúp đỡ cách mạng và thân nhân liệt sĩ già yếu, cô đơn; góp phần củng cố lòng yêu nước, lòng tin đối với Đảng, chế độ; cổ vũ họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng trong sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Để đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công không ngừng được bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, đồng bộ với những văn bản pháp luật khác có liên quan trong hệ thống pháp luật.
Chính sách ưu đãi xã hội quy định tại Pháp lệnh đã đi vào đời sống xã hội và đạt được nhiều kết quả. Hầu hết người có công và thân nhân của họ đã được hưởng các chế độ ưu đãi của nhà nước. Hàng năm, ngân sách Nhà nước đã dành gần 30.000 tỷ đồng để thực hiện chế độ ưu đãi nhằm không ngừng chăm lo đến đời sống của người có công với cách mạng ngày càng tốt hơn. 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. 96,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. Đời sống người có công được ổn định và từng bước được cải thiện, góp phần to lớn ổn định chính trị, xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ Xã hội chủ nghĩa; góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển kinh tế trong thời kỳ đổi mới.
Nhìn chung, Pháp lệnh đã thể chế cơ bản hệ thống chính sách ưu đãi xã hội đối với người có công, tạo lập hành lang pháp lý, trở thành công cụ cho hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ưu đãi xã hội. Đây là tiền đề để thực hiện sự ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công, đảm bảo sự dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết: chính sách ưu đãi người có công hiện nay vẫn còn một số vấn đề vướng mắc, bất cập. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/07/2016 của Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2016 và 2017, văn bản số 4869/VPCP-PL ngày 11/5/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang đề nghị các địa phương tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện Pháp lệnh. Qua đó, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định trong chính sách ưu đãi người có công, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thực hiện tốt chủ trương của Đảng qua các kỳ Đại hội X, Đại hội XI, Đại hội XII.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Người có công Nguyễn Duy Kiên, để hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công hơn nữa, trước hết phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, chế độ ưu đãi xã hội người có công với cách mạng, phấn đấu đến năm 2020 hoàn chỉnh hành lang pháp lý trong lĩnh vực này, đặc biệt, điều chỉnh chế độ trợ cấp ưu đãi trên cơ sở mức tiêu dùng bình quân xã hội. Cùng với đó, triển khai thực hiện đồng bộ các chế độ ưu đãi về kinh tế - xã hội nhằm nâng cao mức sống người có công trên mức trung bình của xã hội, đúng theo nguyên tắc đã được ghi nhận trong Cương lĩnh xây dựng đất nước: “Không chờ kinh tế phát triển cao mới giải quyết các vấn đề xã hội mà ngay trong từng bước, trong suốt quá trình phát triển tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội”.
La Giang