TĐKT - Nghề y là một công việc đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng là nghề cao quý, mang ý nghĩa lớn lao. Lựa chọn nghề y là lựa chọn một con đường gian nan, khó khăn, nhiều áp lực, song với tình yêu nghề, đội ngũ y, bác sĩ luôn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao quý “trị bệnh cứu người”. Trong bài viết này chúng tôi muốn nói đến một người bác sĩ đặc biệt mà tên tuổi của ông gắn liền với một lĩnh vực có tính đặc thù cao: Chuyên ngành trầm cảm. Đó là PGS.TS Tô Thanh Phương (Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa 6, Viện Tâm thần Trung ương 1) - người nổi tiếng trong giới y khoa là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam về chuyên ngành trầm cảm.
PGS. TS, Bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương
Theo lời kể của PGS.TS Tô Thanh Phương, sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1982 ông thực hiện nghĩa vụ quân sự, là bác sĩ quân y của Trường Sĩ quan Tên lửa - Ra đa (nay là Học viện Phòng không – Không quân). Từ tháng 1/1986 đến nay, ông chuyển ngành về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I.
Trong cuộc sống, có nhiều người chọn hướng đi rõ ràng ngay từ đầu nhưng cũng có những người chỉ đến với nghề một cách tình cờ, như một cái duyên. Con đường đưa PGS.TS Tô Thanh Phương đến với chuyên ngành trầm cảm là một “ngã rẽ” không hẹn trước. Đó là thời điểm năm 1989 khi ông đang là Phó trưởng Khoa 5 của Bệnh viện Thần kinh.
Có một bệnh nhân tên Chử Văn T, người Lai Châu, đang được điều trị tại Khoa khi đó. Mặc dù đã được bác sĩ trưởng khoa tiêm liều thuốc khá cao trong 1 tuần là Aminazine 25 mg ngày 6 ống, Haloperidol 5 mg ngày 4 ống, bệnh nhân T vẫn kích động dữ dội.
Thấy vậy, bác sĩ Tô Thanh Phương đã bỏ thời gian vài ngày theo dõi và thấy bệnh nhân có biểu hiện mắt đỏ, vẻ mặt u buồn, có lúc sụt sùi khóc, ngồi ở xó buồng. Nhận định trường hợp này là trầm cảm, ông đã mạnh dạn xin nhận điều trị cho bệnh nhân.
PGS.TS Tô Thanh Phương kể lại: “Cũng may trưởng khoa đồng ý và bảo tôi viết đơn chịu trách nhiệm. Sau khi giám đốc ký đồng ý thì tôi điều trị bằng công thức riêng của mình. Ngay ngày hôm sau, bệnh nhân đã thấy dễ chịu ngay. Sau 1 tuần, bệnh nhân T chuyển biến tốt. Từ đó tôi quyết tâm đi theo hướng điều trị trầm cảm.
Năm 1995, khi sang Pháp nghiên cứu lần 1, tôi thấy họ chỉ dùng thuốc chống trầm cảm đơn thuần cho bệnh nhân và họ nặng về liệu pháp tâm lý nên ít hiệu quả. Tôi mua nhiều sách đem về nghiên cứu.
Năm 2000 tôi bắt đầu làm luận án điều trị trầm cảm bằng thuốc an thần kinh phối hợp với thuốc chống trầm cảm. Thời điểm đó, an thần kinh là chống chỉ định điều trị trầm cảm. Năm 2002, tôi sang Pháp lần 2 và hỏi ý kiến các giáo sư. Các thầy thấy khả thi nên động viên tôi.
Kết quả, tôi đã báo cáo thành công luận án Tiến sĩ điều trị trầm cảm bằng an thần kinh phối hợp với chống trầm cảm đã đem lại hiệu quả rất cao. Hiện nay biện pháp chữa bệnh này đã thành phổ biến. Rất nhiều bệnh nhân trầm cảm đã khỏi bệnh”.
Là một bác sĩ điều trị trầm cảm cho bệnh nhân, công việc của PGS.TS. Tô Thanh Phương gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó nhất là việc chẩn đoán bệnh bởi nếu chẩn đoán không đúng thì điều trị không hiệu quả.
“Việc tiếp xúc với bệnh nhân trầm cảm không dễ dàng và đòi hỏi người bác sĩ phải có chuyên môn, sự kiên nhẫn, tâm huyết với công việc, thấu hiểu, chia sẻ với người bệnh. Nhiều khi để làm được tốt công tác tư tưởng, những bác sĩ như tôi phải ngồi trò chuyện với bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân hàng giờ liền. Đôi khi chỉ nghe họ kể những câu chuyện vụn vặt không đầu không cuối và phải tự chắp vá lại để phán đoán hướng điều trị và động viên họ.” - PGS.TS Tô Thanh Phương chia sẻ.
Ông luôn tâm niệm rằng, là bác sĩ thì quan trọng nhất phải có cái tâm với nghề. Bác sĩ chữa trầm cảm thì càng quan trọng phải có cái tâm. Khi có cái tâm, nghĩa là bạn mới thực sự thương người bệnh. Khi đó, bạn sẽ thăm khám cho người bệnh bằng cả trái tim và khối óc mới ra được bệnh. Bởi rất nhiều người bệnh mà các triệu chứng không điển hình, rất khó để xác định 1 ca trầm cảm. Ngược lại, phải khám tỉ mỉ, khám lâu, hỏi kỹ và đồng cảm với người bệnh mới được. Nếu như nhiều bác sĩ khám cho bệnh nhân qua loa, thậm chí quát nạt thì không bao giờ chữa được trầm cảm.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân trầm cảm, PGS.TS Tô Thanh Phương không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, áp dụng những phương pháp điều trị mới. Ông chính là người đem kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ - kỹ thuật mới nhất trong điều trị trầm cảm, tâm thần phân liệt từ Pháp về áp dụng ở Việt Nam. Hiện nay nhiều bệnh viện tâm thần trong cả nước đã sử dụng kỹ thuật này trong điều trị bệnh trầm cảm.
PGS.TS Tô Thanh Phương đã nghiên cứu đề tài dùng kích thích từ xuyên sọ điều trị chứng ảo thanh kéo dài đạt hiệu quả cao, 63,33% hết ảo thanh. (Ảo thanh là chứng bệnh nguy hiểm, đó là những tiếng nói trong đầu xui người bệnh tự tử, xui đánh hoặc giết người, xui bỏ nhà đi có khi không biết đường về. Nếu ảo thanh tồn tại trên 6 tháng thì không có loại thuốc nào chữa được). Bên cạnh đó là phương pháp trắc nghiệm về tâm lý cho kết quả nhanh, chính xác.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, PGS.TS Tô Thanh Phương không nhớ hết mình đã điều trị cho bao nhiều người bệnh, chỉ biết rằng, ông chưa từng bó tay trước bất kỳ bệnh nhân trầm cảm nào. Sự nhiệt tình, tận tâm, thấu hiểu và kiên nhẫn đã giúp ông mở được cánh cửa bí mật riêng biệt trong mỗi người bệnh, từ đó có được sự phối hợp tốt giữa bệnh nhân, gia đình trong quá trình điều trị.
Vẫn với cách làm đó, nhiệt huyết đó, PGS.TS Tô Thanh Phương tiếp tục âm thầm xoa dịu nỗi đau tâm hồn cho bệnh nhân của mình để giúp họ có được cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Ông cũng dự định sẽ viết một cuốn sách về các phương pháp chữa một số bệnh trầm cảm rất đặc hiệu mà nhiều bác sĩ hiện nay còn lúng túng.
Giữa cuộc sống bộn bề lo toan và áp lực khiến nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm như hiện nay, công việc của những bác sĩ chuyên khoa tâm thần như PGS.TS Tô Thanh Phương cũng áp lực và căng thẳng hơn nhưng họ vẫn là điểm tựa tin cậy của những người không may bị bệnh trầm cảm.
Nguyễn Quân