TĐKT – Với gần 20 sáng kiến, làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng, chàng trai trẻ Lê Xuân Tú (sinh năm 1993), Trưởng nhóm điện - Bộ phận cơ điện Ngành Thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông được suy tôn là nhân vật tiêu biểu cấp công ty năm 2018.
Nói về Lê Xuân Tú, bạn bè đồng nghiệp đều cảm thấy thán phục về niềm đam mê trong công việc. Với khuôn mặt hiền lành, ít nói, đôi khi còn nhút nhát với người lạ, nhưng khi đề cập đến lĩnh vực điều khiển tự động hóa thì Tú có thể hào hứng chia sẻ cả ngày.
Tú tâm sự “Có lẽ lòng đam mê kỹ thuật đã ăn vào trong máu em. Ngay từ khi là sinh viên của Trường Trung cấp dạy nghề, em đã bị hấp dẫn bởi các thiết bị kỹ thuật lắp đặt. Năm 2014, em đăng ký tham gia dự thi tay nghề giỏi cấp tỉnh và đạt giải nhất với đề tài “Lắp đặt điện Hệ thống điều khiển điện công nghiệp”; sau đó tiếp tục được đi thi tay nghề cấp quốc gia.
Lê Xuân Tú, Trưởng nhóm điện - Bộ phận cơ điện ngành Thiết bị chiếu sáng, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông được suy tôn là nhân vật tiêu biểu cấp công ty năm 2018
Tốt nghiệp trường nghề, Tú đầu quân về Rạng Đông ở vị trí của công nhân kỹ thuật sửa chữa, bảo dưỡng thuộc Ban thiết kế kỹ thuật – Xưởng Led. Đến nay, đã 4 mùa xuân gắn bó với công ty, với Lê Xuân Tú, Rạng Đông không chỉ là môi trường làm việc lý tưởng mà còn là mái nhà thứ hai, tạo cho anh những cơ hội phát triển và trưởng thành.
Từ một công nhân bình thường, được phát hiện bởi sự đam mê kỹ thuật và lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, Tú được lãnh đạo xưởng tạo điều kiện cho đi học nâng cao tay nghề từ các thầy giáo của trường đại học nổi tiếng. Biết đây là cơ hội hiếm có trong điều kiện vừa học vừa làm, Tú đã cố gắng tranh thủ hết sức để thu nạp kiến thức. Ban đầu từ nhiệm vụ đấu điện công nghiệp đơn giản, Tú được lãnh đạo Xưởng tin tưởng giao phó nhiệm vụ thiết kế và lập trình hệ thống điện cho các thiết bị dây chuyền.
“Quả thực đây là thách thức quá lớn đối với em” – Tú thừa nhận – “Nhưng em nghĩ cũng là cơ hội. Em cũng chỉ biết cố gắng để không phụ lòng tin của mọi người”
Trong 4 năm qua, Tú cùng với các anh em trong tổ sửa chữa, bảo dưỡng đã không quản vất vả, ngày đêm nghiên cứu và có gần 20 sáng kiến cải tiến hệ thống điều khiển tự động hóa thành hệ thống những dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn chỉnh không kém gì các dây chuyền ngoại nhập.
Tiêu biểu: Cải tiến dây chuyền bao gói đèn bulb; cải tiến dây chuyền liên hoàn bộ máng đèn M21; máy lắp ráp đèn led Bulb trụ T80-T100; máy lắp ráp đèn downlight tự động; máy in dấu kiểm tra thông số đèn Tube led tự động; máy đóng nắp hộp nguồn No1.No2… đạt hiệu quả cao trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động và giúp giảm các chi phí lãng phí do thực hiện thủ công trước kia.
Lê Xuân Tú (thứ hai từ phải sang) đạt giải ba Hội thi đề tài, giải pháp sáng tạo – Festival sáng tạo trẻ lần thứ VIII do Đoàn khối công nghiệp Hà Nội tổ chức năm 2018.
Chia sẻ về một trong những cải tiến có giá trị lớn mà Tú cùng cả nhóm đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu, chế tạo rồi thử nghiệm và được áp dụng thành công trong dây chuyền sản xuất, Tú bảo, đó là “sáng kiến tự gia công, chế tạo dây chuyền lắp ráp đèn Led Downlight tự động”.
Xuất phát từ thực tế các dây chuyền lắp ráp đèn Led Downlight cơ cấu tự động còn ít, các bước trên công đoạn lắp ráp còn chưa hợp lý dẫn đến việc khó đưa cơ cấu tự động vào quá trình sản xuất được. Năng suất chỉ đạt 7000 sản phẩm/ca sản xuất 14 người. Nếu nhập toàn bộ hệ thống dây chuyền tự động chi phí sẽ rất lớn…
Tú cùng với các anh em trong nhóm đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ cấp mạch PCB tự động, súng bắn vít tự động được lập trình sẵn tọa độ vị trí. Quá trình cấp mạch và bắn vít tự động được điều khiển thông qua bộ điều khiển tự động PRC, đảm bảo độ chính xác tuyệt đối khi cấp mạch và bắn vít đèn. Đồng thời tìm ra phương án thiết kế thêm 2 tâm định vị vị trí trên bản mạch PCB và đế đèn Led Downlight để đồng bộ hóa giữa vật tư và dây chuyền mới được vận hành chính xác nhất.
Cải tiến này đã giúp nâng năng suất lao động tăng lên 50% (từ 7000 SP/ca sản xuất 14 người lên 10 000 SP/ca sản xuất 10 người), tiết kiệm được 1/3 chi phí so với trước kia, nâng cao chất lượng của sản phẩm. Cải tiến đã đạt giải ba Hội thi đề tài, giải pháp sáng tạo – Festival sáng tạo trẻ lần thứ VIII, khối công nghiệp Hà Nội năm 2018.
Anh Nguyễn Hoàng Khôi, Phó trưởng ngành Thiết bị chiếu sáng, phụ trách nhóm cơ điện Xưởng đánh giá: “Dây chuyền sau khi được cải tiến trở nên thông minh hơn, sản phẩm tin cậy hơn, năng suất cao hơn. Nếu như trước kia dây chuyền thường rời rạc và chỉ giúp giảm bớt một số thao tác của công nhân thì nay dây chuyền là một hệ thống đồng bộ, phát hiện kịp thời các lỗi, xử lý lỗi, đồng thời phân tích dữ liệu giúp ích cho việc cải tiến”
Anh Nguyễn Hoàng Kiên, Quản đốc Xưởng LED phấn khởi chia sẻ “Vấn đề không chỉ là chi phí tiết kiệm mà hơn hết chúng tôi đã làm chủ được công nghệ. Nếu nhập dây chuyền từ nước ngoài, trường hợp có vấn đề chúng tôi lại phải mời chuyên gia sang, sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc”.
Gọi tên hai từ “cải tiến” thì đơn giản, nhưng để đạt được hiệu quả thực sự, áp dụng vào thực tiễn là điều không dễ dàng. Giữa lý thuyết và thực tế khác nhau một trời một vực. Một lỗi sai sẽ tác động ngay đến kết quả sản xuất hàng ngày của dây chuyền và hàng loạt công nhân bị ảnh hưởng. Trong khi, chi phí cho mỗi “cải tiến” cũng ngốn khá nhiều.
Ý thức được trách nhiệm đó, Tú cùng với cả nhóm lao vào nghiên cứu không kể ngày đêm. Nhiều khi phải “lăn” ra dây chuyền để thử nghiệm nhưng cũng có khi cần không gian yên tĩnh. Tú kể có thời điểm, một mình đóng chặt cửa vì sợ tiếng ồn ảnh hưởng đến dòng suy nghĩ rồi ở lỳ trong đó cả ngày lẫn đêm để tìm tòi, lập trình, thiết kế.
4 năm, từ chàng thanh niên 21 tuổi, đến nay, Tú đã trưởng thành hơn rất nhiều. Nghĩ lại quãng thời gian qua Tú thổ lộ: “Chính sự đam mê và lòng kiên trì dám vượt qua thất bại giúp em đạt được thành công. Nhưng điều vô cùng quan trọng là lãnh đạo công ty, lãnh đạo xưởng, lãnh đạo ngành đã hết sức tin tưởng, động viên và tạo điều kiện môi trường cho em thể hiện. Em rất tự hào ở môi trường Rạng Đông”.
Phạm Việt Hòa