TĐKT - Năm 2018 khép lại với nhiều thành công của ngành Nông nghiệp. Phóng viên (PV) Tạp chí Thi đua Khen thưởng có buổi phỏng vấn ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa về những thành quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2018 của tỉnh.
PV: Trước hết, xin được cảm ơn ông đã tham gia trao đổi với chúng tôi. Xin ông cho biết, những kết quả nổi bật của phong trào xây dựng NTM ở Thanh Hóa trong năm 2018?
- Ông Lê Đức Giang: Năm 2018, được xác định là năm bản lề trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.
Theo đó, đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đồng thời, xem đây là kết quả quan trọng để tích hợp, tạo đà cho việc hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 trước một năm.
Vì vậy, các ngành thành viên Ban chỉ đạo và các ngành, các cấp, ngay từ đầu năm, đã bám sát kế hoạch của tỉnh để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện. Điều đáng mừng là nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã rất đồng lòng, nỗ lực, hưởng ứng thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó đã đem lại thành công theo lộ trình của Chương trình.
Ông Lê Đức Giang - Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa
Toàn tỉnh có thêm 43 xã; 140 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Quảng Xương đã trình Trung ương công nhận huyện đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh tăng thêm 1 tiêu chí/xã. Đến nay, cả tỉnh đạt bình quân 16 tiêu chí/xã, có 284 xã đạt chuẩn NTM, đạt xấp xỉ 50% số xã xây dựng NTM, 527 thôn, bản miền núi và 2 huyện đạt chuẩn NTM.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 28,5 triệu đồng, tăng 3,5 triệu đồng/người/năm so với năm 2017, hộ nghèo ở mức 5,84%, giảm 2,59% so với năm 2017. Người dân đồng thuận, cán bộ trưởng thành, diện mạo nông thôn thay đổi mạnh mẽ, cùng với những con số quan trọng nêu trên đã minh chứng cho kết quả xây dựng NTM ở Thanh Hóa trong năm qua.
Cùng với đó, tỉnh đã chủ động ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, đang xem xét để ban hành Bộ tiêu chí thôn, bản NTM kiểu mẫu. Theo đó, đã xây dựng thành công 3 mô hình thôn, bản NTM kiểu mẫu tại các huyện miền núi và đang nhân rộng 3 mô hình tiếp theo; đối với các xã đã đạt chuẩn, đã rà soát, đánh giá và xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí để hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu cho từng năm và cả giai đoạn 2019 - 2020 …
Đặc biệt, tỉnh đã ban hành Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là giải pháp rất quan trọng để xây dựng, phát triển NTM hiệu quả. Với trọng tâm là phát triển sản phẩm, dịch vụ chủ lực, có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
PV: Trong năm 2018, triển khai phong trào xây dựng NTM tỉnh đã gặp những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gì, đồng thời đã thực hiện các giải pháp, chính sách như thế nào để tháo gỡ, thưa ông?
- Ông Lê Đức Giang: Năm 2018, Thanh Hóa đã được Trung ương chọn làm chỉ đạo điểm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", đây là nội dung hết sức quan trọng, là giải pháp để đưa Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh nâng cao về chất và bền vững.
Tuy nhiên, Thanh Hóa là tỉnh có số xã xây dựng NTM nhiều nhất cả nước, trong đó có trên 1/3 số xã là xã miền núi, 102 xã 30a, tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho các huyện miền núi; nhu cầu đầu tư cho Chương trình ở vùng miền núi lớn trong khi huy động nguồn lực khó khăn. Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ra đời đặt ra nội hàm rộng, yêu cầu ngày càng cao; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở các xã khu vực miền núi còn hạn chế.
Để tháo gỡ các khó khăn, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM với mục tiêu và các giải pháp cụ thể, phân công nhiệm vụ chi tiết cho các ngành, các cấp; đồng thời có nhiều văn bản đôn đốc, chỉ đạo, triển khai, tháo gỡ khó khăn, trong đó, tập trung cao cho phát triển sản xuất theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trên cơ sở hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng; tiếp tục chỉ đạo xây dựng NTM cấp thôn, bản đối với các xã miền núi; tăng cường chỉ đạo thực hiện tiêu chí môi trường, coi đây là 1 trong những chỉ tiêu quan trọng của xã NTM.
PV: Xin ông cho biết, công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, những điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng NTM được ngành nông nghiệp tỉnh triển khai như thế nào?
- Ông Lê Đức Giang: Năm 2018, công tác tuyên truyền xây dựng NTM đã tập trung vào các quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo tỉnh, UBND tỉnh, theo đó, sự tiếp cận được tập trung vào mục tiêu phấn đấu năm 2018, toàn tỉnh có 1 huyện, 42 xã đạt chuẩn NTM, mỗi huyện miền núi có từ 3 đến 5 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Trên cơ sở đó, chuyển tải thông tin, khơi dậy tinh thần, làm nóng, làm mới phong trào, đồng thời, giúp các địa phương sau khi đạt chuẩn NTM ý thức được sự cần thiết, vai trò, trách nhiệm trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí và tiến hành xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu.
Lấy nội dung tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân làm khâu đột phá, xây dựng cảnh quan, diện mạo nông thôn đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái, xanh, sạch, đẹp làm điểm nhấn… Huy động, sử dụng nguồn lực hợp lý, hiệu quả, không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng và quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn NTM. Tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, những điển hình tiên tiến; phản ánh những việc bất cập, cảnh báo những khuynh hướng công việc chưa đúng,…
Đặc biệt, Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh đã đặt mua Báo Nông nghiệp Việt Nam cung cấp cho 567 xã xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với gần 30 cơ quan truyền thông để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền xây dựng NTM. Tham gia nói chuyện chuyên đề về xây dựng NTM do các cơ quan, đơn vị tổ chức: Trường Chính trị tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh…
Những cánh đồng lúa đưa lại năng suất cao khi áp dụng khoa học - công nghệ sản xuất tiên tiến của xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa
Bên cạnh đó, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh đã biên tập và phát hành 12 số Bản tin xây dựng NTM với số lượng 12.000 cuốn. Phối hợp tổ chức Gameshow truyền hình “Nhà nông tài giỏi” năm 2018, qua đó tạo cho cán bộ, hội viên nông dân có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM.
PV: Năm 2019 và những năm tiếp theo, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh sẽ tập trung vào những mục tiêu cũng như giải pháp cụ thể nào, thưa ông?
- Ông Lê Đức Giang: Kế thừa những kết quả đạt được, năm 2019 và những năm tiếp theo Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu: Phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn NTM, có 41 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 16,7 tiêu chí/xã. Đến năm 2020 toàn tỉnh có 05 huyện đạt chuẩn NTM, 60% số xã (tương ứng 343 xã) đạt chuẩn NTM; 20% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM trở lên; bình quân toàn tỉnh đạt 17,5 tiêu chí/xã.
Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh đưa ra 4 giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất, các cấp, các ngành tiếp tục phổ biến, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương xứ Thanh.
Thứ hai, các xã tiếp tục rà soát quy hoạch, đảm bảo sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Đảm bảo lưu trữ hồ sơ và niêm yết công khai quy hoạch tại trụ sở UBND xã và các thôn, bản… cho nhân dân được biết, giám sát, kiểm tra, thực hiện. Triển khai cắm mốc và quản lý mốc giới theo quy hoạch NTM đã được phê duyệt.
Thứ ba, các ngành thành viên Ban chỉ đạo cần phải sâu sát cơ sở, tăng cường làm tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung, tiêu chí cũng như sớm hoàn thành đạt chuẩn xã NTM.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt, có những giải pháp căn cơ và cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn; chú ý duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn; triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM...
Thứ tư, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực sự có hiệu quả trong việc triển khai thực hiện Chương trình. Nâng cao chất lượng xét, thẩm định xã đạt chuẩn NTM.
Mai Thảo (thực hiện)