TĐKT - Sáng 28/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý IV/2018. Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển chủ trì họp báo.
Bộ Tư pháp họp báo công tác tư pháp quý IV/2018
Từ quý IV/2018 tới nay, Bộ, ngành Tư pháp đã tiếp tục thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đang đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản QPPL; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Công tác thẩm định văn bản QPPL tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng, kiên quyết loại bỏ các quy định về thủ tục hành chính, về kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, bất hợp lý...
Riêng trong tháng 1/2019, Bộ đã thẩm định 22 dự thảo văn bản QPPL, 2 đề nghị xây dựng luật, 5 đề nghị xây dựng nghị định; kiểm tra theo thẩm quyền 178 văn bản.
Trong quý I/2019, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong 125.620 việc trong tổng số 330.068 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 38,06% (tăng 5,95% so với cùng kỳ năm 2018); với số tiền thi hành xong là hơn 7.200 tỷ, đạt tỷ lệ 7,49% (tăng 0,49% so với cùng kỳ năm 2018).
Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài nhiều năm và các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng; thực hiện nghiêm túc các quy định về THADS liên quan đến khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng; chủ động, tích cực tham gia với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng.
Tại họp báo, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cũng thông tin tới các cơ quan thông tấn, báo chí những nội dung cơ bản trong các văn bản mới được ban hành do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo: Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 11/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6; Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp; Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 21/12/2018 về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; Thông tư số 14/2018/TT-BTP ngày 16/10/2018 Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên.
Bộ, ngành Tư pháp đã xác định 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2019. Trong đó, nổi bật là triển khai tích cực Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xây dựng, thẩm định văn bản pháp luật.
Chủ động triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội mới ban hành; xây dựng, theo dõi, đôn đốc và ban hành kịp thời các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật, nghị quyết.
Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi thi hành án hành chính. Tập trung thi hành dứt điểm các vụ án dân sự trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong kê biên, phong tỏa tài khoản, truy tìm tài sản bảo đảm cho công tác thi hành án, nhất là trong các vụ việc kinh tế, tham nhũng...
Phương Thanh