* Ông Vũ Minh hỏi: Ông muốn làm hồ sơ đề nghị Nhà nước xé tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” và “Nhà giáo Ưu tú” cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời ông như sau:
Theo Điều 13, Thông tư số 07/2012/TT-BGDĐT ngày 17/2/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo Ưu tú” bao gồm:
1. Hồ sơ cá nhân :
a) Bản khai thành tích đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú khai theo mẫu hồ sơ cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (phụ lục kèm theo).
b) Bản sao giấy chứng nhận sáng kiến, giải pháp, giáo trình (trang bìa có ghi tên tác giả và Nhà xuất bản), biên bản nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học (tên và mục lục bài báo đăng trên tạp chí hoặc kỷ yếu Hội nghị quốc tế) và chứng nhận các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng có liên quan đến tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
2. Hồ sơ của Hội đồng cấp dưới đề nghị lên Hội đồng cấp trên:
a) Tờ trình đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
b) Danh sách đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
c) Biên bản họp Hội đồng và kết quả bỏ phiếu phiên tán thành.
d) Tóm tắt thành tích cá nhân đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
e) Quyết định thành lập Hội đồng.
g) Ý kiến của Ban thường vụ tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng đối với Nhà giáo Nhân dân (Hội đồng cấp tỉnh, bộ).
Mẫu hồ sơ của Hội đồng đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú tại phụ lục kèm theo Thông tư này.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đề nghị, đồng thời có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật.
4. Các cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin mà cá nhân đã kê khai trong hồ sơ.
* Ông Mai Văn Kha hỏi: Hiện nay, Nhà nước quy định những hình thức khen thưởng nào?
Tạp chí Thi đua Khen thưởng trả lời ông như sau:
Theo quy định tại Điều 13, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 nêu rõ:
1. Khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được là hình thức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với tập thể, cá nhân do cấp trình khen thưởng căn cứ theo quy định xem xét, đánh giá, công nhận.
2. Khen thưởng theo đợt (hoặc chuyên đề) là khen thưởng cho tập thể, cá nhân đạt được thành tích xuất sắc sau khi kết thúc đợt thi đua do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động.
3. Khen thưởng đột xuất là khen thưởng cho tập thể, cá nhân lập được thành tích đột xuất.
Thành tích đột xuất là thành tích đạt được ngoài chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ mà tập thể, cá nhân phải đảm nhiệm.
Thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất là thành tích đột xuất đạt được ở mức độ đặc biệt xuất sắc khi dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân, của Nhà nước hoặc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực được khu vực hoặc thế giới ghi nhận.
4. Khen thưởng quá trình cống hiến là khen thưởng cho cá nhân có quá trình tham gia hoạt động trong các giai đoạn cách mạng, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, có công lao, thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
5. Khen thưởng theo niên hạn là khen thưởng cho cá nhân thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, có thành tích, có thời gian tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định.
6. Khen thưởng đối ngoại là khen thưởng cho tập thể, cá nhân người nước ngoài có thành tích đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ở một trong các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao hoặc lĩnh vực khác.