TĐKT - Ngày 13/12, tại Hà Nội, Khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện kinh tế phi chính thức ở Việt Nam và những khuyến nghị chính sách”. Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn đánh giá, thảo luận về tiềm năng và những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh tế phi chính thức, từ đó đề xuất khuyến nghị nhằm giúp quản lý và khai thác hiệu quả các nguồn lực từ lĩnh vực kinh tế này.
GS.,TS. Nguyễn Công Nghiệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Chủ nhiệm Khoa Tài Chính chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo
Từ nhiều góc nhìn tiếp cận khác nhau, các chuyên gia đã nhận diện các hình thái khác nhau cũng như tác động của lĩnh vực kinh tế này đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo PGS., TS. Thái Bá Cẩn, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, ở nước ta, các hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện ngày càng đa dạng và phức tạp, chiếm khoảng gần 30% GDP, tỷ lệ đóng góp trong chỉ tiêu GDP của cả nước năm 2015 là 14, chiếm khoảng gần 30% GDP, tỷ lệ đóng góp trong chỉ tiêu GDP của cả nước năm 2015 là 14,34%. Trong đó, hoạt động tự sản xuất, tự tiêu hộ gia đình đã được quan sát là 2,09%.
Nhìn chung khu vực kinh tế phi chính thức ngày càng có xu hướng “phình to”, bởi theo thống kê của Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, quy mô lao động khu vực kinh tế này đang tiếp tục tăng mạnh. Tổng số lao động phi chính thức năm 2016 là 18,01 triệu người, tăng 2,8% so với năm 2015.
Trong đó, lao động nữ chiếm trên 7,8 triệu người chiếm 43,5%. Trong 21 ngành kinh tế do Vụ Thống kê dân số và lao động khảo sát, có 4 ngành có tỷ lệ lao động phi chính thức cao nhất: Làm thuê trong các hộ gia đình (99%), xây dựng (90%), dịch vụ lưu trú và ăn uống (80%), hoạt động khác (83%). Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15% lao động phi chính thức được đào tạo, gần 98% không được đóng bảo hiểm. Đa số các hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế này không có kỹ năng về nghiệp vụ kế toán (ở Hà Nội là 62%, TP Hồ Chí Minh là 79%).
Điều này cho thấy, khu vực này là bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế nước ta, do vậy, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ kịp thời, đúng mức để khu vực này phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này.
Các đại biểu khuyến nghị Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài chính cần cân đối ngân sách để triển khai thực hiện Đề án "Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát", nhằm đo lường đầy đủ khu vực kinh tế chưa quan sát được, trong đó có khu vực kinh tế phi chính thức. Cần sớm chính thức hóa thuật ngữ "khu vực kinh tế phi chính thức" trên phương diện văn bản pháp lý và thông tin thống kê nhà nước. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thuộc khu vực kinh tế phi chính thức chuyển sang khu vực doanh nghiệp. Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ, bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể thuộc khu vực này...
Các biện pháp hữu hiệu nhằm thu hẹp quy mô khu vực phi chính thức không nhất thiết phải bằng các quy định mang tính chất cấm đoán và "bạo lực" mà phải xuất phát từ các nguyên nhân sâu xa khiến cho khu vực phi chính thức tồn tại.
Theo đó, để có thể khuyến khích các chủ thể tham gia vào nền kinh tế chính thức, Chính phủ nên tập trung vào các biện pháp dài hạn và căn cơ hơn nhằm tạo ra những thay đổi mang tính nền tảng: Tập trung vào việc cải thiện hệ thống luật pháp, trong đó trọng tâm là cải cách hệ thống thuế, giảm chi phí tuân thủ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải thiện chất lượng thể chế, năng lực quản trị nhà nước; kiểm soát nạn tham nhũng ở khu vực công, trọng tâm là loại bỏ các khoản chi phí không chính thức; ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho phát triển kinh tế dài hạn.
Phương Thanh