TĐKT - “Yêu thương, tôn trọng, dành nhiều thời gian để chia sẻ, đồng hành cùng các thế hệ học sinh” là cách mà cô giáo Nguyễn Bích Hạnh đã và đang áp dụng thành công trong suốt hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người ở Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).
Phương pháp dạy học “từ trái tim đến trái tim”
Nhịp sống hối hả thời hội nhập kinh tế đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Những giá trị tinh thần truyền thống dường như cũng đang lung lay trước sự lên xuống của thị trường. Giáo dục và học sinh của chúng ta cũng phải chịu sự tác động sâu sắc vùng xoáy ấy. Nếu trước kia, dạy học sinh khó một thì nay khó gấp mười lần.
Hơn 20 năm giảng dạy ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, 16 năm làm công tác chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Bích Hạnh cho biết: Nhiều học sinh ở đây rơi vào hoàn cảnh éo le, cần sự quan tâm đặt biệt. Những chấn thương tâm lý từ phía gia đình khiến phần đông các em chán nản, học tập chểnh mảng, không thiết tha với bài vở, bị lôi kéo chơi bời, quậy phá. Học sinh chọn cách đến trường để đối phó với gia đình; để lấp đầy thời gian vì “ở nhà chả biết làm gì”… Do đó, ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc dạy và quản lý số học sinh đặc biệt này không dễ dàng gì.
Với suy nghĩ, coi học sinh như con, cô Hạnh chủ động thay đổi bản thân để làm chuyển biến trò của mình
Năm 1998, sau khi tốt nghiệp trường Đại học sư phạm Hà Nội, trúng tuyển trở thành giáo viên cơ hữu của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Hạnh vui mừng, mang theo bao ước mơ và hoài bão. Nhưng khi bắt tay vào công việc, cô thấm dần những mệt mỏi và căng thẳng vì đủ thứ chiêu trò, trêu trọc của học sinh.
Ngày đầu bước vào lớp bất kỳ một giáo viên nào cũng phải đối mặt với lối làm quen “thăm dò” của các cô cậu học sinh. Có hôm vừa mở cửa bước vào lớp, một vỏ chai nước lavie vụt bay qua mặt cô. Rồi sau đó là những buổi học sinh ngủ trong lớp, tụ tập phì phèo thuốc lá, ngồi vẽ trong giờ học bị thầy giáo ghi sổ đầu bài thì thủ tiêu sổ luôn, gây gổ đánh nhau, uy hiếp các bạn khác… Bên cạnh những học sinh có năng lực thì trong trường cũng có nhiều trường hợp học sinh tăng động, bị tự kỷ hoặc chậm phát triển… Nhiều thầy cô không chịu được áp lực đã rời khỏi trường sau một thời gian ngắn.
Trong khi đó, với cô Hạnh, vì mải mê lo tròn công việc với học sinh mà không ít lần cô cảm thấy có lỗi với mái ấm nhỏ của mình vì quên ngày sinh nhật chồng, quên cả giờ đón con, bữa cơm tối của gia đình thường xuyên trễ nải…
Cô Hạnh kể: “Đã có lần chồng tôi giận và nói rằng “Em trồng cây thì phải biết bỏ quả sâu, quả hỏng. Sao em tự làm khổ mình nhiều như thế. Bố con anh chỉ ước được là học sinh của em…”
Nhưng nhận được sự động viên cũng như tạo điều kiện để giáo viên tham gia học tập kinh nghiệm, tập huấn các kỹ năng của lãnh đạo nhà trường, cô nhận ra rằng “Giáo dục con người nóng vội sẽ hỏng việc, phải lấy trái tim để làm rung động trái tim; phải đặt mình vào vị trí, tâm lý của học sinh để bình tĩnh giải quyết các tình huống”.
Với suy nghĩ “Ngoảnh mặt đi con dại, ngoảnh mặt lại con khôn. Học sinh cá tính gây cho mình nhiều mệt mỏi, căng thăng nhưng chúng cũng như con mình” cô Hạnh đã chủ động thay đổi bản thân để làm chuyển biến học trò. Hàng ngày cố gắng sắp xếp ổn thoả công việc nhà, cô đến trường sớm hơn.
Ngày nào cũng vậy, kể cả có tiết hay không có tiết dạy, cứ 7h sáng là cô Hạnh có mặt ở trường. 30 phút đầu giờ cô cùng cả lớp truy bài, gỡ rối khi học sinh có vướng mắc, tranh thủ tâm sự, trò chuyện để hiểu tâm tư học sinh.
Đến giờ ăn, cô trực tiếp chia cơm bán trú rồi ngủ cùng các con. Lúc thì đắp cho bạn này cái chăn, khâu hộ bạn kia cái áo đứt khuy; thỉnh thoảng cô mua một ít đồ cho lớp liên hoan, giao cho những bạn “hảo hán” làm “sếp” ở trong lớp hoặc nhóm.
Thông cảm với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Với những học sinh tự kỷ, tăng động, cô không đưa ra quá nhiều yêu cầu cùng một lúc mà hướng dẫn con làm từng việc, từng bước, từ cái đơn giản nhất... Khi các con có chuyển biến, cô đều khen trước lớp và có phần thưởng. Cô cố “bớt lời - nới tay”, không nhắc đến các lỗi lầm cũ hoặc nhược điểm của các con để tránh rắc muối vào vết thương chưa khỏi…
Cứ thế các bạn ấy tiến bộ dần, các hạt mầm ương bướng đã tách vỏ, chồi non yếu ớt hé mở. Trong mắt các con học sinh, cô Hạnh như một người bạn gần gũi, một người chị tâm đầu ý hợp, một người mẹ nhân hậu và giống cả một thần tượng. Mỗi lời cô dạy là mỗi lời góp ý chân thành nhất, như một mệnh lệnh mềm, được học sinh đón nhận một cách tự nhiên và thoải mái.
…. Kết hợp phát triển tư duy, sáng tạo
Từ hình thành nhân cách tốt cho mỗi học sinh, cô Hạnh tiếp tục tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để các em phát huy toàn diện năng lực học tập của mình.
Học sinh chúc mừng cô giáo Nguyễn Bích Hạnh nhân ngày 20/11
Cô Hạnh là tấm gương sáng về tinh thần tự học, nâng cao kiến thức để học sinh noi theo. Mỗi khi trống tiết lên lớp, cô thường xin phép Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho “dự giờ” môn văn của các giáo viên khác để học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, bản thân không ngừng cập nhật các thông tin từ đời sống xã hội; tìm hiểu các trào lưu thịnh hành của giới trẻ, từ những ngôn ngữ tuổi teen cho đến những tiếng lóng của lớp trẻ cô luôn quan tâm. Theo cô, đó là những thông tin cần thiết để lồng ghép vào bài học, vừa giúp các học sinh định hướng lối sống đúng đắn, vừa tạo sự hòa đồng, cởi mở hơn giữa thầy và trò.
Là giáo viên giảng dạy môn ngữ văn, cô không ngừng đổi mới phương pháp dạy học. Cô không rập nguyên một khuôn thầy nói - trò nghe, thầy giảng - trò chép mà tăng cường tính tương tác trong các bài học thông qua các phương pháp: Thảo luận nhóm, đóng vai, nghiên cứu tình huống…. Từ đó, tự các em học sinh sẽ tìm ra mục đích muốn truyền đạt. Việc kiểm tra, đánh giá học sinh cũng được cô thực hiện qua các hoạt động trong tiết học; sẵn sàng rộng tay thưởng điểm cho học sinh làm tốt…
Với phương pháp dạy học tích cực đó, nhiều năm trở lại đây, chất lượng đầu ra của học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn đạt chất lượng cao, trong đó, tỷ lệ học sinh có môn văn đạt điểm 5 trở lên đạt 97%; số điểm 7,5 – 8 cũng nở rộ như hoa.
Cô Hạnh là một trong những cá nhân tiêu biểu, hàng năm đều được công nhận là giáo viên Chủ nhiệm xuất sắc, giáo viên giảng dạy giỏi và có nhiều đóng góp đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục của nhà trường, được tặng nhiều Giấy khen. Nhưng tâm sự với chúng tôi cô chia sẻ: Phần thưởng lớn nhất của cô chính là được chứng kiến các con học sinh của mình tốt nghiệp ra trường và trở thành những người thành đạt trong xã hội.
Mai Thảo