TĐKT – Hơn 3 thập kỷ gắn bó với màu xanh áo lính, Thiếu tướng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vẫn luôn giữ cho mình ngọn lửa đam mê, lòng nhiệt huyết, vượt mọi khó khăn và thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn theo lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”.
Nghiên cứu, ứng dụng những kỹ thuật y học mới, hiện đại
Sinh năm 1962, hơn 30 năm công tác, với Thiếu tướng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chính là ngôi nhà thứ hai, là tổ ấm để anh không ngừng vun đắp và dựng xây.
Anh vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình tri thức, có cha là giáo sư, thầy thuốc nhân dân, Thiếu tướng Phạm Tử Dương, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện 108, một tấm gương sáng ngời về đạo đức và nhân cách nghề y, đã để lại nhiều tập sách và công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, được vinh danh Giải thưởng Nhà nước năm 2000.
Tuổi thơ của cậu bé Phạm Nguyên Sơn lớn lên, gắn liền với từng khoảng sân nhỏ của Bệnh viện 108, những khu nhà khám bệnh và điều trị cấp bốn nho nhỏ núp dưới những vòm cây xanh, cùng với những câu chuyện, trao đổi về bệnh tật, tình trạng của bệnh nhân và những phác đồ điều trị giữa cha cùng các đồng nghiệp sau giờ làm trong khu tập thể cũ kỹ của bệnh viện… Vì vậy, hình ảnh về “ngôi nhà thứ 2” đó đã hết sức thân thuộc, thấm sâu vào tâm trí của cậu bé Sơn từ khi mới lên 3 tuổi. Nhận thức về nghề y và ước mơ được nối nghiệp cha, được xây dựng “tổ ấm – Bệnh viện 108” phát triển cứ lớn dần trong con người ấy theo năm tháng.
Thiếu tướng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 108
Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y, anh về công tác tại khoa Tim mạch của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 từ năm 1986. Nhớ lại những ngày đầu về công tác ở đây, anh Sơn cho biết: Đó là những năm tháng khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nước ta vừa thoát khỏi chiến tranh, hai đầu biên giới còn vang tiếng súng với sự bao vây cấm vận ngặt nghèo, thiếu đói, ốm yếu, bệnh tật triền miên. Khoa Tim mạch thiếu thốn các trang thiết bị cũng như thuốc men trầm trọng. Cả khoa chỉ có một chiếc máy điện tim đời cũ của Hung-ga-ri hoạt động phập phù ghi đo nhịp tim thông thường cũng đã là quý lắm.
“Khi ấy, nhiều ca trực thâu đêm để lọc màng bụng cho bệnh nhân theo phương pháp thủ công nhằm cấp cứu bệnh nhân qua cơn hiểm nghèo. Thiếu trang bị và thuốc men, tôi cùng tập thể Khoa và các kỹ sư của Viện Kỹ thuật Quân sự đã mày mò chế tạo ra máy “kích thích tim qua đường thực quản”; rồi xuống khoa Dược lục tìm trong các hòm thuốc viện trợ từng viên thuốc tim mạch để đem về dùng cho bệnh nhân. Thậm chí, có nhiều ca bệnh về tim khó, bệnh viện phải ngược xuôi nhờ hỗ trợ…” Anh Sơn kể.
Nhìn thấy rõ những khó khăn, thiếu thốn về mặt kỹ thuật và chuyên môn của Khoa tim mạch cũng như những đau đớn mà người bệnh đang phải gánh chịu bởi những phương pháp y học thủ công, truyền thống, bác sĩ Phạm Nguyên Sơn dù còn trẻ tuổi nhưng luôn suy nghĩ và trăn trở về trách nhiệm của người thầy thuốc trong mái nhà chung. Anh nghĩ rằng: Thế giới rộng lớn, nhất định anh phải mang được những kỹ thuật y học mới, tiên tiến trở về “gieo” lên mảnh đất BV 108.
Quyết là làm, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh, cứu người, anh không ngừng đầu tư thời gian, dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu phát triển những kỹ thuật mới trong điều trị tim mạch. Tận dụng tối đa những cơ hội học tập, nâng cao trình độ, nghiên cứu khoa học của Bộ Quốc Phòng, anh cố gắng giành học bổng tham gia tất cả các khóa đào tạo về chuyên ngành tim mạch tại Đại học Y khoa Sherbrooke - Canada năm 1995, tại Marseille - Cộng hoà Pháp năm 2003 và Viện Tim mạch quốc gia Malaysia năm 2006…
Với nỗ lực học hỏi không ngừng, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn đã góp thêm những viên gạch nền móng, xây dựng Khoa Tim mạch, Bệnh viện 108 trở thành cơ sở uy tín trong điều trị các bệnh lý về tim. Đặc biệt, với việc xây dựng thành công chuyên ngành siêu âm tim; triển khai cấy máy tạo nhịp và xây dựng chuyên ngành thăm dò điện sinh lý và tạo nhịp tim, Khoa Tim mạch của Bệnh viện 108 trở thành một trong các cơ sở đầu tiên trên cả nước thực hiện siêu âm tim như siêu âm tim gắng sức bằng Dobutamin, siêu âm tim qua đường thực quản, Doppler mô cơ tim. Bệnh viện 108 cũng là địa chỉ có uy tín trong nước với nhiều kỹ thuật khó như tạo nhịp ở đường ra thất phải, tạo nhịp tái đồng bộ tim, cấy máy phá rung tự động, triệt đốt các rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng có tần số Radio, triệt đốt rung nhĩ có sử dụng hệ thống mapping 3D…
Đào tạo thế hệ trẻ, đưa bệnh viện phát triển xứng tầm quốc tế
Bệnh viện 108 hôm nay đang phát triển không ngừng. Kỳ vọng xây dựng một bệnh viện tầm cỡ của quốc gia và các tiêu chuẩn chuyên môn, quản lý, xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế, sẽ không chỉ cần bàn tay, khối óc của riêng cá nhân ai mà rất cần sự chung tay, chung sức và tâm huyết của cả một tập thể đoàn kết, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.
Nhận thức được điều đó, những năm qua, dù ở bất kỳ vị trí công tác nào: Bác sĩ hay Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm khoa hay lãnh đạo bệnh viện, anh Phạm Nguyên Sơn không ngừng tự học tập và sáng tạo, gương mẫu trên mọi mặt trận, là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ sau noi theo.
Anh Sơn là tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự nghiên cứu cho các bạn trẻ noi theo
Hàng ngày anh vẫn cầm tay chỉ việc, truyền ngọn lửa đam mê nghề nghiệp, say mê nghiên cứu khoa học y học đến các bạn trẻ. Cho đến nay, PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn đã và đang hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh, 20 thạc sĩ, bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa cấp II; đã tham gia với tư cách chủ tịch và uỷ viên của hơn 240 Hội đồng chấm luận án, luận văn tại Học viện quân Y, Đại học Y Hà nội, Đại học Y Huế, Đại học Dược Hà Nội và Viện nghiên cứu khoa học Y - Dược lâm sàng 108. PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn cũng tham gia các hội đồng tuyển chọn và nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ quốc phòng và Bộ Y tế. Anh được bầu làm thành viên Trường môn Tim mạch Đông Nam Á (năm 2010) và thành viên Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ (năm 2018).
Ngoài ra, anh còn có hơn 90 công trình nghiên cứu được đăng tại các tạp chí chuyên ngành Tim mạch, y học trong nước và quốc tế; chủ trì và tham gia 7 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và cấp bộ; chủ trì 3 đề tài nhánh nghiên cứu thử nghiệm quốc tế đa trung tâm… Đó là khối lượng tri thức khổng lồ mà anh mong muốn những thế hệ sau cùng anh viết tiếp.
PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn vẫn thường trao đổi với những y, bác sĩ của Bệnh viện 108 và học trò của mình rằng: “Một người thầy thuốc giàu y đức nhất định phải là người giỏi chuyên môn, luôn tìm kiếm, nghiên cứu và học hỏi để nâng cao tay nghề khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, người thầy thuốc còn phải thương yêu người bệnh, đặt mình vào vị trí của người bệnh và gia đình bệnh nhân để ứng xử cho phù hợp. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng nữa với người bác sĩ quân y hôm nay là phải xây dựng được văn hóa công sở, làm việc theo mô hình nhóm, ekip một cách hiệu quả”.
Cảm phục người thầy và cũng là đồng nghiệp của mình, bác sĩ Đỗ Văn Chiến, một trong những người học trò xuất sắc của PGS. TS. Phạm Nguyễn Sơn về lĩnh vực tim mạch chia sẻ: “Thầy Sơn là tấm gương sáng ngời về y đức để tuổi trẻ chúng tôi soi vào học tập và nỗ lực phấn đấu”.
Chứng kiến anh ngày qua ngày phải trải qua môi trường bệnh viện căng thẳng với đầy rẫy biến cố, có người hỏi liệu có khi nào anh cảm thấy quá áp lực, mệt mỏi, chán nản với công việc của mình … PGS. TS. Phạm Nguyên Sơn chỉ mỉm cười bình thản: “Ai cũng vậy, đã lựa chọn nghề y là đã tự chọn cho mình một con đường đi không ít chông gai. Song, tôi chưa bao giờ ân hận vì sự lựa chọn của mình mà ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn niềm vinh dự, tự hào của người lính Cụ Hồ, người thầy thuốc mặc áo lính. Những nụ cười của bệnh nhân khi vượt qua cơn bạo bệnh chính là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho những người thầy thuốc chúng tôi vượt qua mọi gian nan, vất vả, tiếp tục cống hiến hết tâm sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của quân nhân và nhân dân cả nước”./.
Mai Thảo