TĐKT - Trên thế giới, Công tác xã hội (CTXH) đã có quá trình phát triển hơn 100 năm và đã tồn tại ở nhiều quốc gia. Tính đến nay, có khoảng 140 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Cán bộ xã hội Quốc tế; khoảng 100 quốc gia tham gia Hiệp hội đào tạo công tác xã hội thế giới. CTXH hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, nạn nhân của bạo hành và tệ nạn xã hội... phát triển khả năng và sử dụng các nguồn lực riêng của họ và của cộng đồng, xã hội để giải quyết vấn đề khó khăn của mình.
Tại Việt Nam, từ năm 2010, “Công tác xã hội là một hoạt động chuyên môn mới, là mô hình hoạt động chuyên môn hiệu quả hướng đến trợ giúp và nâng cao chất lượng sống của các đối tượng yếu thế.” (1). Trong những năm qua, song hành với những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, cộng đồng có vấn đề xuất hiện với nhiều thách thức, rủi ro. Điều này đòi hỏi nhân viên công tác xã hội (NVCTXH) không chỉ trợ giúp các đối tượng là cá nhân, nhóm mà còn đóng vai trò như một tác viên cộng đồng, hỗ trợ các cộng đồng đóphát triển, cân bằng xã hội vững mạnh. Chính vì vậy, đối với nhân viên công tác xã hội nói chung và sinh viên đang theo học ngành này nói riêng, phát triển cộng đồng là hết sức cần thiết và việc trang bị các hành trang phù hợp để phát triển cộng đồng của sinh viên có ý nghĩa khoa học và thực tiễn to lớn.
Theo ThS. Nguyễn Thị Oanh, 1995: “Phát triển cộng đồng là một tiến trình làm chuyển biến cộng đồng nghèo, thiếu tự tin thành cộng đồng tự lực, thông qua việc giáo dục gây nhận thức về tình hình, vấn đề hiện tại của họ, phát huy các khả năng và tài nguyên sẵn có, tổ chức các hoạt động tự giúp, bồi dưỡng và cung cấp tổ chức và tiến tới tự lực phát triển.”
Phát triển cộng đồng (PTCĐ) là phương pháp giải quyết trong phạm vi một cộng đồng, vì vậy thâm nhập cộng đồng đó là một bước vô cùng quan trọng trong tiến trình thực hiện.Với mục đích phát triển con người, kinh tế, thực hiện an sinh xã hội cho người dân, xây dựng một cộng đồng phát triển, PTCĐ mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội. Mọi người đều có quyền được phát triển, được có công ăn việc làm, được phát triển, được có công ăn việc làm qua thực hiện an sinh xã hội. Cùng đó, người dân được đảm bảo cuộc sống đầy đủ, có giá trị, được tôn trọng và được bảo vệ. Không chỉ có vậy, PTCĐ còn mang lại công bằng xã hội. Ai cũng có quyền, có cơ hội như nhau để thỏa mãn nhu cầu cơ bản và giữ gìn giá trị và nhân phẩm của mình. Công bằng xã hội đòi hỏi sự phân bổ lại tài nguyên và quyền quyết định trong xã hội, thúc đẩy một cộng đồng trở nên mạnh hơn, có thể tự bảo vệ mình và bảo vệ những hoàn cảnh khác trong cộng đồng của mình. Từ đây, tinh thần cộng đồng và trách nhiệm xã hội cũng được nâng cao. Con người với tư cách là một thành tố của cộng đồng và xã hội không chỉ quan tâm đến cá nhân mình mà còn có trách nhiệm với đồng loại, cùng nhau giải quyết những nhu cầu, vấn đề chung.
Thực hành PTCĐ được giảng dạy vào năm thứ ba, là môn học bắt buộc và cần thiết dành cho mỗi sinh viên ngành CTXH. Ngoài kiến thức học tập, thái độ, sinh viên cần có những kỹ năng chuyên biệt để thiết lập mối quan hệ với người dân địa phương, đặc biệt là đối tượng trẻ em và đoàn thanh niên. Tổ chức các hoạt động thiếu nhi là một trong những kỹ năng quan trọng hướng đến và thông qua những đối tượng này để giới thiệu ngành học, mục đích một cách rõ ràng, dễ chấp nhận, góp phần đẩy mạnh tác phong “tam cùng”, phát hiện ra những tiềm năng về con người.
Kỹ năng tổ chức các hoạt động thiếu nhi được hiểu là khả năng vận dụng kiến thức thu nhận được trong các lĩnh vực, kết hợp với việc rèn luyện của người làm công tác thiếu nhi và của các em thiếu nhi để thực hiện một hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao theo mục tiêu đã đề ra. Kỹ năng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm giúp các em thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giáo dục nhận thức và phát triển toàn diện. Đồng thời là phương tiện giáo dục và phát triển trí tuệ cho trẻ, góp phần làm phong phú vốn hiểu biết của trẻ về thế giới khách quan. Người có kỹ năng này sẽ vừa tạo một môi trường gắn kết giữa sinh viên CTXH với người dân địa phương, vừa khơi dậy một môi trường năng động, không gian giải trí lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi tại cộng đồng. Cùng đó, trang bị cho các em thiếu nhi những kiến thức cơ bản về kĩ năng sống, nâng cao khả năng tự nhận thức và cảm quan, biết sống yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ mọi người xung quanh. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các em được giao lưu, trải nghiệm và học hỏi kiến thức nhằm nâng cao tính chủ động, tự tin, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường và xã hội.
Từ những thực tiễn khách quan trên, để thu hút được sự tham gia nhiệt tình của trẻ, thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp giữa sinh viên CTXH với các em thiếu nhi trong các hoạt đông, việc thực hiện kỹ năng này cần sự linh hoạt và chuyên nghiệp nhất định, cụ thể là phải dựa trên các nguyên tắc sau:
Một là, đảm bảo định hướng chính trị - xã hội và mục tiêu giáo dục.
Theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật trẻ em, thiếu nhi là đối tượng được hưởng các quyền, trong đó có quyền được học tập, được giáo dục. Các em chưa hoàn thiện về mọi mặt như thể chất, sinh lý, tâm lý... Vì thế, các hoạt động giáo dục thường được chia nhỏ và ở mức độ đơn giản, đi từ dễ đến khó với các phương pháp linh hoạt phù hợp. Thông qua các hoạt động, nhân cách của thiếu nhi cũng được bộc lộ, từ đó ta có thể phát huy những điểm mạnh cũng như điều chỉnh những phản ứng chưa tích cực. Hoạt động giáo dục thiếu nhi là mục tiêu chung của gia đình, nhà trường, toàn xã hội, giúp các em có thể định hướng, hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách, hướng đến chân, thiện, mỹ theo chuẩn mực chung của Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam.
Hai là, đảm bảo sự tự nguyện tham gia, tôn trọng quyền của thiếu nhi và bình đẳng trong hoạt động.
Tổ chức các hoạt động đối với thiếu nhi phải tuân thủ nguyên tắc tôn trọng, lắng nghe, không phán xét, không phân biệt đối xử giữa các em. Sinh viên CTXH không có quyền áp đặt, ép buộc các em phải tham gia những hoạt động mà các em không mong muốn; biến các em thành con người thụ động. Các em thiếu nhi được lựa chọn tự nguyện tham gia một cách thoải mái, được đối xử công bằng và có sự quan tâm như nhau.
Ba là, đảm bảo đáp ứng nhu cầu với đặc điểm tâm lý lứa tuổi và khả năng của thiếu nhi.
Thiếu nhi là lứa tuổi thích vui nhộn, thích được giao lưu bạn bè, khám phá cái mới. Vì vậy, tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi (về nội dung, hình thức, phương pháp) phải phù hợp với thể chất và năng lực của các em.Chú ý các đặc điểm cá nhân khi phân công nhiệm vụ, giáo dục (giới tính, cá tính, môi trường sống,...). Quan trọng hơn, người thiết kế hoạt động cần tránh thiết kế những hoạt động khó hiểu, quá sức với thể chất và trí tuệ của các thiếu nhi, gây nên sự nhàm chán và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Bốn là, đảm bảo tính hệ thống, liên tục trong hoạt động.
Để thực hiện nguyên tắc này, sinh viên CTXH phải dựa trên nền tảng của nguyên tắc giáo dục: Giáo dục là quá trình liên tục, có tính khoa học, có hệ thống và có kế hoạch từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhận thức của đối tượng giáo dục. Quá trình hoàn thiện nhân cách là một quá trình lâu dài, không thể thực hiện trong một thời gian nhất định, phải thực hiện một cách liên tục, lặp đi lặp lại và không được ngắt quãng.
Năm là, đảm bảo an toàn trong hoạt động.
An toàn cho các em thiếu nhi và những đối tượng có liên quan đến hoạt động là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Vì vậy, trước khi tổ chức một hoạt động nào đó, sinh viên CTXH cần xem xét kỹ các tình huống, rủi ro có thể xảy ra để chủ động trong việc thay đổi hoặc có biện pháp phòng, tránh hiệu quả nhất. Việc đảm bảo sự an toàn khi tổ chức hoạt động được thể hiện qua các mặt sau:
+ Về địa điểm: Không gian thoải mái, thoáng mát, tránh những khu vực nguy hiểm: Gần khu điện cao thế, gần cây xăng,...
+ Về thời gian: Lựa chọn khoảng thời gian phù hợp, tránh việc tổ chức khi trời mưa lớn, thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của trẻ.
+ Về nội dung: Các nội dung tổ chức hoạt động không mang tính chất nhạy cảm, bạo lực, mất đoàn kết,...
+ Về hình thức: Chọn hình thức tổ chức hoạt động phải phù hợp về: Độ tuổi, trình độ, khả năng của đối tượng; hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, hấp dẫn, tránh thực hiện một hình thức với nhiều hoạt động.
Khi xây dựng các phương thức thực hiện kỹ năng tổ chức các hoạt động thiếu nhi, sinh viên cần lưu ý đến các phương pháp: Thiết kế các hoạt động thiếu nhi, trò chơi thiếu nhi, trại thiếu nhi, hội thi thiếu nhi, múa hát thiếu nhi,...với những ý nghĩa, quy trình tổ chức thích hợp, vừa đảm bảo về nội dung, mục đích, vừa phục vụ cho công tác phát triển cộng đồng: Đáp ứng nhu cầu, nâng cao nhận thức qua tập huấn, tuyên truyền, vận động, tạo lập mối quan hệ bền vững giữa cộng động và cộng tác viên cộng đồng. Ví dụ, với kỹ năng tổ chức hoạt động thiếu nhi được rèn luyện trong quá trình giảng dạy, đoàn sinh viên thực tập Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam vào tháng 6 năm 2018 đã chứng minh tính ứng dụng cao của kỹ năng này trong thực tập phát triển cộng đồng. Không chỉ tự tổ chức các buổi sinh hoạt hè với các trò chơi, múa, hát... sôi động, đảm bảo sự tham gia của trẻ, có được sự đón nhận, yêu mến của người dân địa phương mà các sinh viên còn khai thác được một trong những nhu cầu, vấn đề của khu vực trong sự thiếu hụt về công tác đoàn, đội. Từ đó, xây dựng kế hoạch can thiệp, trợ giúp cộng đồng qua các buổi tập huấn, tuyên truyền cho các đoàn viên, cán bộ đoàn trẻ về kiến thức, kỹ năng cần thiết, những phương thức tổ chức hoạt động thiếu nhi ở địa phương.
Để sinh viên ngành CTXH trở thành một nhân viên công tác xã hội giỏi về nghiệp vụ, chuyên về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng tổ chức các hoạt động thiếu nhi, chúng tôi xin đưa ra một số biện pháp như sau:
Đối với những trường đào tạo ngành CTXH cần lồng ghép, kết hợp kiến thức về kỹ năng tổ chức các hoạt động thiếu nhi vào các môn học và các giờ thực hành ngoài giờ. Bên cạnh đó, việc thực hiện xây dựng và đưa kiến thức về kỹ năng tổ chức các hoạt động thiếu nhi thành môn học chính thức cũng là cách để trang bị kỹ năng cho sinh viên. Ngoài ra, các nơi đào tạo có thể tổ chức các buổi tập huấn, gặp mặt các chuyên gia hoặc những cá nhân có kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thiếu nhi để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động, giúp giải đáp thắc mắc và tạo điều kiện thực hành kỹ năng một cách cụ thể hơn.
Còn về phía sinh viên hay các cá nhân theo chuyên ngành CTXH, để trang bị đầy đủ kỹ năng tổ chức các hoạt động thiếu nhi thì cũng cần phải chủ động tham gia vào các hoạt động ngoại khoá do trường, cơ quan tổ chức. Cùng đó, tích cực trau dồi kiến thức và thực hành kỹ năng cho bản thân. Không những vậy, mỗi cá nhân cũng nên tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học về những vấn đề có liên quan đến kỹ năng tổ chức hoạt động cho thiếu nhi: Đánh giá nhu cầu của thiếu nhi, mức độ hiểu biết về kỹ năng... Từ đó, ta có thể lên kế hoạch, lựa chọn những hoạt động cho thiếu nhi sao cho phù hợp nhất và đảm bảo các nguyên tắc khi tổ chức. Để trang bị những kỹ năng này, việc sinh viên tham gia vào các câu lạc bộ cũng là cách để họ học hỏi thêm nhiều kỹ năng tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi và đây cũng là nơi để họ được thể hiện bản thân, rèn luyện kỹ năng một cách tốt nhất.
Tổ chức các hoạt động thiếu nhi không còn xa lạ với công tác đoàn, đội nhưng lại là một kỹ năng vô cùng cần thiết trong phát triển cộng đồng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam. Đây là một kỹ năng giúp sinh viên hay nhân viên công tác xã hội có được sự tự tin trên tinh thần chủ động, sáng tạo, thể hiện sức trẻ trong học tập và công việc của mình.
Chúng tôi tin rằng sự có mặt của kỹ năng này trong hành trang phát triển cộng đồng, cùng chuyên môn nghiệp vụ, ngành công tác xã hội ở Việt Nam sẽ ngày một phổ biến hơn, tạo bức đệm vững chắc cho một đất nước phát triển toàn diện.
Lâm Ngọc Ánh - Nguyễn Quang Duy - Trần Thị Thùy Linh
(1) - Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ, Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020