Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa
30/11/2018 - 16:31

TĐKT - Sáng 30/11, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức chương trình “Diễn đàn quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hóa”.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Sắp xếp, đổi mới và thích ứng với sự thay đổi trong công cuộc cổ phần hóa Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội hằng năm nhằm nâng cao hiệu quả tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu chú trọng thực chất và hiệu quả.

Để thực hiện tốt công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/05/2017 về việc phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020”, cùng với Nghị quyết số: 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 được Ban Chấp hành Trung Ương Đảng Khóa XII ban hành trong hội nghị lần thứ V một lần nữa đã nhấn mạnh việc đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là hết sức quan trọng.

Theo số liệu của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong năm 2017, cả nước đã phê duyệt phương án cổ phần hóa 57 DNNN (gấp 1,03 lần so với 55 DNN cổ phần hóa năm 2016). Sáu tháng đầu năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt tiếp phương án cổ phần hóa 19 DNNN (bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017), tổng giá trị doanh nghiệp là 40.672,09 tỷ đổng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 23.0847,23 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa 6 tháng đầu năm 2018 đạt 28.055,29 tỷ đồng, trong đó thu từ cổ phần hóa 22.457,29 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 5.598 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt khoảng 198.000 tỷ đồng (năm 2016 là 30.000 tỷ; năm 2017 là 140.000 tỷ đồng; năm 2018 là 28.000 tỷ đồng)…

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp nhà nước đã đối thoại, trao đổi thẳng thắn về cơ chế chính sách và thực trạng cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Cùng với đó trao đổi về những rào cản, vướng mắc đối với tiến trình cổ phần hóa DNNN, tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đối với tiến trình cổ phần hóa.

Theo TS. Nguyễn Văn Khách, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn DNNN được đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2011 – 2018, cả nước đã cổ phần hóa được hơn 600 DNNN, tổng giá trị thu về cho ngân sách Nhà nước từ bán vốn Nhà nước thông qua cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo TS Khách, tiến độ cổ phần hóa DNNN, thoái vốn Nhà nước, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN đã cổ phần hóa còn chậm. Cũng như, chưa phân định rõ giữa chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước; việc công bố thông tin và tính minh bạch đối với DNNN còn thấp; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các DNNN cũng còn nhiều hạn chế; bộ máy quản lý điều hành chưa đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp…

Trong thời gian tới, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần thực hiện việc tách biệt chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước, thông qua hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã được thành lập) thay mặt Chính phủ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại các tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty và các DNNN quy mô lớn quan trọng.

Theo ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, quản trị doanh nghiệp và cơ cấu lại DNNN ở Việt Nam cần xác định rõ vị trí, vai trò, lĩnh vực hoạt động của DNNN trong nền kinh tế, để từ đó xây dựng quan điểm, mục tiêu cải cách DNNN ổn định trong thời gian dài, tạo sự nhất quán trong thực hiện. Đồng thời, phân chia DNNN thành hai loại chính là DNNN thương mại và DNNN công ích để áp dụng các biện pháp cải cách, quản lý phù hợp….

Thông qua trao đổi, thảo luận, góp ý, các chuyên gia kinh tế, đại diện DNNN đã đưa ra những đánh giá khách quan về vai trò của thiết chế hỗ trợ tái cơ cấu DNNN và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản trị và hiệu quả hoạt động của DNNN, nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Diễn đàn cũng mang đến cho các cấp quản lý lãnh đạo doanh nghiệp những tư duy, nhận thức quan trọng, cũng như các công cụ và phương pháp trong công tác quản lý lãnh đạo sự thay đổi.

Mai Thảo – Phương Thanh