TĐKT - Ngày 18/11, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup tổ chức Hội thảo Quốc tế “STEM – Nền tảng vững chắc cho học sinh trong kỷ nguyên số” tại Hà Nội.
Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Quan trọng hơn việc dạy là cách dạy, STEM chú trọng vào việc dạy học sinh sáng tạo, suy nghĩ độc lập, tự tìm tòi, khám phá thế giới và tự khám phá chính bản thân mình.
Hành trang trở thành công dân toàn cầu trong kỷ nguyên số, ngoài những kiến thức văn hóa, xã hội, học sinh còn cần được trang bị những kỹ năng như kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng tự học và tư duy ngôn ngữ…
Tại rất nhiều quốc gia phát triển, việc tìm hiểu và phát triển các phương pháp giáo dục đã diễn ra mạnh mẽ và ưu thế được lựa chọn trong những năm gần đây là phương pháp tiếp cận STEM - cách tiếp cận dạy học tập trung thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo, khả năng vận dụng qua con đường trải nghiệm, tích hợp nhiều lĩnh vực.
Tập đoàn Egroup ký kết hợp tác triển khai phương pháp giáo dục STEM cho học sinh
Giáo dục STEM đã đem đến câu trả lời đáp ứng bối cảnh thực tại, trở thành lựa chọn hàng đầu, minh chứng cho sự thành công và phát triển nguồn nhân lực cao tại nhiều quốc gia: Mỹ, Canada, Úc, Singapore… Giáo dục Việt Nam phần nào đã bắt kịp xu thế phát triển của thế giới và đã bắt đầu các chương trình thí điểm triển khai giáo dục STEM trong những năm gần đây.
Nhận thấy tầm ảnh hưởng của những phương pháp giáo dục mới đối với thế hệ trẻ Việt Nam trong thời đại 4.0, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup (Egroup) tổ chức Hội thảo “STEM - Nền tảng vững chắc cho học sinh trong kỷ nguyên số”. Đây là Hội thảo Quốc tế về STEM dành cho lứa tuổi học sinh lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Thông qua Hội thảo, các chuyên gia khẳng định giáo dục STEM, đào tạo năng lực tư duy, khả năng tự học hay tư duy ngôn ngữ không đơn thuần hướng đến mục tiêu để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư mà các phương pháp này nhằm tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu công việc của thế kỷ 21, tạo ra thế hệ công dân toàn cầu của Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số.
Hội thảo “STEM - Nền tảng vững chắc cho học sinh trong kỷ nguyên số” mở ra cơ hội kết nối các nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín trên thế giới chia sẻ, gợi ý cách ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến cho giáo viên và phụ huynh Việt Nam để chúng ta có thể thay đổi tư duy giáo dục, thay đổi tương lai thế hệ trẻ.
Ông Lee Chung Koog, nhà sáng lập CMS Edu – Tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực Tư duy sáng tạo và Giáo dục tích hợp tại Hàn Quốc cho biết, với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông luôn cố gắng tạo động lực để thay đổi mô hình giáo dục, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong ngành giáo dục STEM với tư cách là nhà tiên phong trong thời đại 4.0.
Năm 1997, ông thành lập trung tâm CMS đầu tiên tại Hàn Quốc –nhằm truyền cảm hứng cho trẻ em trong việc phát triển năng lực tư duy sáng tạo. Ông Lee Chung Koong luôn tâm niệm rằng “Giáo dục luôn có sự tích hợp, và nó là một phần quan trọng trong việc phát triển nhân loại. Khi con người và xã hội thay đổi để trở nên tiên tiến hơn, thì giáo dục sẽ trở nên cần thiết hơn”
Tiến sĩ Diana Wehrell-Grabowski, chuyên gia hàng đầu thế giới về STEM và ứng dụng STEM vào lớp học cho biết, bà làm việc thường xuyên với các tổ chức giáo dục, các cơ quan và các học viện trên toàn thế giới nhằm đào tạo giáo viên, chuyên viên giáo dục từ bậc mầm non cho đến hết trung học mang lại những kiến thức đầy đủ, chính xác, truyền cảm hứng về STEM. Ngoài ra, bà đã cộng tác với rất nhiều tổ chức giáo dục trên khắp thế giới nhằm xây dựng các chương trình STEM có chất lượng và bền vững phù hợp với từng đất nước nói chung cũng như từng bậc học từ mầm non đến trung học ở cả khối công lập và tư thục nói riêng.
Một trong những khía cạnh quan trọng trong triết lý của Tiến sĩ Wehrell-Grabowski đó là để chuẩn bị cho học sinh phát triển mạnh trong thế kỷ 21, việc đầu tiên cần chuẩn bị chương trình đào tạo cho giáo viên cũng như các cơ hội để được tiếp cận đào tạo. Các chương trình đào tạo giáo viên phải đáp ứng nhu cầu của giáo viên và học sinh thế kỷ 21. Môi trường lớp học và tất cả các trải nghiệm học tập cần phát triển và củng cố các kỹ năng của thế kỷ 21, bao gồm tư duy phê phán, sáng tạo, giao tiếp và cộng tác. Ngoài ra, việc kết hợp các trải nghiệm công nghệ phù hợp với lứa tuổi và có ý nghĩa sẽ cho phép học sinh phát triển mạnh trong kỷ nguyên số.
Mai Thảo