TĐKT - Sáng 29/10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về: Những thay đổi của hoạt động biên tập, xuất bản kể từ khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến hoạt động biên tập, xuất bản ở nước ta hiện nay và những vấn đề đang đặt ra.
Đồng thời, nêu lên thực trạng của đội ngũ cán bộ biên tập, xuất bản ở nước ta hiện nay cũng như nêu ra những yêu cầu về trình độ, kỹ năng đối với người làm công tác biên tập, xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; chia sẻ những kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác biên tập, xuất bản của một số quốc gia trên thế giới trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ biên tập, xuất bản ở Việt Nam hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác biên tập, xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0…
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết: Hiện nay, thế giới đã và đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội của mọi quốc gia trên thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng hạ tầng kinh tế - xã hội và khoa học - công nghệ đã làm thay đổi nhận thức, tư duy truyền thống của con người trong mọi lĩnh vực xã hội. Xuất bản, một "binh chủng" trên mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, cũng bị tác động không nhỏ bởi sự phát triển của công nghệ số, internet kết nối vạn vật và tự động hoá...
Ông Phạm Chí Thành, Quyền Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và ông Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì Hội thảo
Hoạt động xuất bản truyền thống phải trải qua các khâu cơ bản: Tổ chức bản thảo, biên tập bản thảo, trình bày, mình hoạ sách, in ấn và phát hành, từ đó tạo nên quy trình sản xuất - kinh doanh, phát hành xuất bản phẩm. Đây là một quy trình khép kín từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng xuất bản phẩm. Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự kết hợp các công nghệ và thông tin số hoá, internet kết nối vạn vật trí thì mình nhân tạo, công nghệ robot in 3D... đã và đang tạo ra sự thay đổi đột biến trong toàn bộ công tác xuất bản, trong đó có bước nhảy vọt về tốc độ sản xuất, chia sẻ và lan tỏa xuất bản phẩm.
Xuất bản không “lụi tàn” mà trái lại sẽ ngày càng phát triển trong nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, công nghệ in trên giấy truyền thống đang chia sẻ và trong vòng nửa thế kỷ tới, dần bị chiếm lĩnh bởi công nghệ xuất bản điện tử với sự xuất hiện sách điện tử và các thiết bị đọc sách điện tử.
Ngành xuất bản từ môi trường thực tế bị giới hạn về không gian và thời gian dần chuyển sang môi trường internet, di động, môi trường công nghệ số được phát huy “toàn lực”, không bị phụ thuộc vào các yếu tố, điều kiện sản xuất và phát hành truyền thống, để ấn phẩm đến được tay độc giả nhanh nhất, nhiều nhất, tiện ích nhất.
Các giao dịch mua bán chuyển nhượng sách và bản quyền trên toàn cầu ít bị giới hạn bởi các yếu tố khách quan, chủ quan...
Những thay đổi này đem lại nhiều cơ hội và tiền đề thuận lợi cho sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của ngành công nghiệp văn hoá - xuất bản. Song, nó cũng tạo áp lực lớn buộc các chủ thể của ngành phải thay đổi về tư duy, cách thức làm việc trong các hoạt động xuất bản, in và phát hành của mình.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức và yêu cầu mới đối với công tác xuất bản. Những nhà xuất bản truyền thống nếu không thích nghi, bắt kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, không kịp thời ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản số, xuất bản điện tử vào quy trình xuất bản, không có điều kiện về nguồn vốn để thay thế máy móc, trang thiết bị hiện đại, sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường.
Các nhà xuất bản sẽ phải thay đổi hệ thống tổ chức, quản lý và cơ chế, cách thức hoạt động của mình để phát triển, tương thích với các hoạt động xuất bản dựa trên các nền tảng tích hợp, giao thoa công nghệ hiện đại và môi trường số.
Yêu cầu cơ bản đặt ra đối với đội ngũ cán bộ làm công tác xuất bản, đặc biệt là các biên tập viên phải có bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng vững vàng, có khả năng chọn lọc, tổng hợp, phân tích và xử lý trước những nguồn thông tin chưa được kiểm chứng trong điều kiện bùng nổ thông tin nhanh, đa chiều cả ở trong nước và quốc tế từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài kiến thức chuyên môn sâu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ xuất bản phải có tính năng động, sáng tạo, có năng lực ngoại ngữ và tin học và thậm chí cả những kiến thức khoa học - công nghệ cần thiết để có thể tiếp cận và ứng dụng những công nghệ mới trong hoạt động quản lý và chuyên môn, tương ứng với phương thức xuất bản mới, sử dụng kênh truyền thông đa phương tiện, công nghệ quản lý, quản trị nhà xuất bản, quản trị mạng lưới bán hàng...
Đòi hỏi đặt ra đối với mỗi cơ sở đào tạo là nghiên cứu, xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn lý luận với thực tiễn; phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hóa; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị làm công tác xuất bản nhằm đảm bảo về chất lượng, số lượng để đáp ứng yêu cầu của ngành xuất bản nói chung, xuất bản điện tử nói riêng.
Yêu cầu đặt ra cấp bách với công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản của các cơ quan chức năng và của bản thân các nhà xuất bản cũng phải nhanh chóng đổi mới theo kịp những đòi hỏi mới trong thực tiễn hoạt động xuất bản; cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính đặc thù của hoạt động xuất bản theo hướng gắn kết chặt chẽ hai yếu tố tư tưởng - văn hoá và kinh tế - công nghệ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao cho hoạt động xuất bản trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Mai Thảo