TĐKT - Bước vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ xuất phát điểm thấp, song với sự vào cuộc, chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị và cả xã hội, Lạng Sơn đã thu được những thành tựu ấn tượng. Diện mạo nông thôn, miền núi của tỉnh đã có nhiều đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn bê tông hóa đường giao thông tại xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan
Những năm qua, thi đua xây dựng NTM tại các huyện, xã của tỉnh Lạng Sơn đã trở thành phong trào rộng khắp. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo, qua đó tạo bước đột phá trên nhiều lĩnh vực.
Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất được chú trọng, cơ bản hạn chế được tình trạng phân bổ dàn trải, cào bằng; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình cây, con chủ lực, thế mạnh của địa phương. Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà trên thị trường được quan tâm đẩy mạnh gắn với thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được quan tâm đầu tư, tập trung ưu tiên các công trình phục vụ trực tiếp nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư, trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, các xã điểm đặc biệt khó khăn và các xã dưới 5 tiêu chí.
Lĩnh vực văn hóa, môi trường có những bứt phá thông qua việc chỉ đạo hình thành các khu dân cư kiểu mẫu với nét nổi bật về cảnh quan, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp. Hệ thống chính trị, an ninh trật tự và quốc phòng ở khu vực nông thôn được giữ vững.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Lạng Sơn, đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 36 xã/207 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, TP Lạng Sơn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn tỉnh đạt 8,65 tiêu chí/xã.
Số xã đạt tiêu chí giao thông tăng từ 5/207 xã lên 46/207 xã; số xã đạt tiêu chí thủy lợi tăng từ 22/207 xã lên 129/207. Số xã đạt tiêu chí về điện nông thôn tăng từ 40/207 xã lên 107/207 xã. Số xã đạt tiêu chí trường học tăng từ 10/207 xã lên 38/207 xã. Số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa từ 6/207 xã lên 38/207 xã. Số xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn tăng từ 46/207 lên 167/207 xã.
Thu nhập bình quân của người dân khu vực nông thôn tăng từ 11,57 triệu đồng/người/năm lên 17,33 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 25,91% xuống còn 19,07 %.
Giai đoạn 2016 - 2020, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh lựa chọn 5 xã đặc biệt khó khăn để chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM; mỗi huyện trên địa bàn tỉnh lựa chọn từ 1- 2 xã đặc biệt khó khăn để chỉ đạo điểm phấn đấu đạt chuẩn NTM. Kết quả thực hiện Chương trình NTM đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 6 xã/133 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM; bình quân tiêu chí của các xã đặc biệt khó khăn là 6,63 tiêu chí /xã, còn 10 xã dưới 5 tiêu chí. Qua đó đã tạo được chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện Chương trình NTM tại các xã đặc biệt khó khăn.
Có thể khẳng định, Chương trình xây dựng NTM đã mang đến những khởi sắc toàn diện cho bức tranh phát triển nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn. Tiếp tục Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 77/207 xã đạt chuẩn (trong đó có 5 xã điểm đặc biệt khó khăn), chiếm 37,2% tổng số xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; số tiêu chí bình quân/xã đạt 13,8 tiêu chí/xã; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí với những xã đạt đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới. 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM xây dựng thành công từ 1 - 2 mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu”, toàn tỉnh có 2 xã xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.
Phấn đấu mỗi huyện có từ 2 - 3 mô hình phát triển sản xuất thế mạnh để chỉ đạo xây dựng mô hình kiểu mẫu về phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gắn với thực hiện Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt khoảng 28 - 30 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần năm 2015...
Tin chắc rằng với sự chung sức đồng lòng của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Lạng Sơn sẽ sớm đạt được mục tiêu đã đề ra, đưa Chương trình phát triển lên một tầm cao mới.
Minh Phương