TĐKT - Với mục tiêu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM) trước năm 2020, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) đang tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt phát huy nội lực từng bước tiến tới mục tiêu đạt chuẩn NTM.
Ngay khi bắt tay vào triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM, Đại Từ đã xác định vai trò chủ thể, quyết định của người dân trong thực hiện phong trào này. Bởi vậy, huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào.
Huyện đã chỉ đạo các xã trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, mỗi xóm, bản đều thành lập ban vận động, trong đó các thành viên là những người cao tuổi, người có uy tín, cùng với chính quyền xã tuyên truyền, vận động đến từng hộ, từng người dân.
Đặc biệt khi có việc cần huy động người dân đóng góp, tham gia, lãnh đạo xã cùng với các thành viên ban vận động tổ chức họp dân bàn bạc, có sự đồng thuận cao thì triển khai thực hiện. Vì thế mỗi người dân đều cảm thấy mình là chủ thể trong thực hiện xây dựng NTM.
Hình ảnh những con đường bê-tông với hoa ven đường trở nên quen thuộc người dân huyện Đại Từ
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, với chủ trương đúng đắn, người dân Đại Từ ai ai cũng tích cực hưởng ứng phong trào. Nhờ vậy bộ mặt nông thôn Đại Từ đổi mới từng ngày. Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Đại Từ đã xây dựng, cải tạo và nâng cấp được trên 800 km đường giao thông các loại và kênh mương nội đồng; trên 100 công trình thủy lợi, xây dựng nhiều nhà văn hóa...
Đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm huyện đều làm được từ 160 km đường bê tông trở lên. Trong năm 2017, huyện đã xây dựng trên 87 km đường bê tông nông thôn, trong đó kinh phí đối ứng của nhân dân gần 40 tỷ đồng. Ngoài ra, trên 1.500 hộ hiến đất được trên 91.000 m2. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, tổng nguồn lực dành cho xây dựng NTM của huyện đạt trên 200 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 45 tỷ đồng; ngân sách địa phương gần 29 tỷ đồng; vốn lồng ghép hơn 113 tỷ đồng; vốn huy động các doanh nghiệp 2 tỷ đồng và đóng góp của cộng đồng dân cư trên 12,3 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn này, huyện đã thực hiện 36 công trình giao thông, 32 công trình thủy lợi, 6 công trình thể thao cấp xã, 25 công trình nhà văn hóa xóm. Ngoài ra, huyện còn sửa chữa, nâng cấp trạm y tế, trường học, chợ nông thôn, xây dựng điểm tập kết xe chở rác...
Người dân xã Phúc Linh tích cực đóng góp sức người, sức của xây đường bê- tông
Tiêu biểu trong việc phát huy sức dân trong xây dựng NTM là xã Phúc Linh. Mặc dù triển khai phong trào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp nhưng với nỗ lực của người dân và chính quyền nơi đây, xã đã cán đích NTM.
Để có được thành công đó, Phúc Linh đã tập trung vào công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, quyền và trách nhiệm của mình trong quá trình xây dựng NTM. Đồng thời, thực hiện tốt công tác công khai, dân chủ, bàn bạc trong nhân dân thông qua các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng ở các xóm.
Bởi vậy, người dân hưởng ứng nhiệt tình thông qua việc hiến đất, hoa màu, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kênh mương, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa… Với tổng kinh phí dành cho xây dựng NTM của xã là gần 39 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương trên 1,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 8,8 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 18 tỷ đồng, ngân sách xã 500 triệu đồng, phần còn lại do các doanh nghiệp, bà con nhân dân đóng góp. Từ đó, xã đã xây dựng trên 24 km đường bê tông, trên 16 km kênh mương, xây mới 10 nhà văn hóa…
Năm 2018, toàn huyện có 5 xã đăng ký về đích nông thôn mới: Khôi Kỳ, Phú Xuyên, Phú Lạc, Tân Linh và Bình Thuận. Đến nay, 5 xã này đã thực hiện rà soát toàn bộ kết quả thực hiện, nhằm xác định các tiêu chí còn thiếu, từ đó tập trung sức mạnh để hoàn thành.
Tin rằng, với nỗ lực của cán bộ và người dân nơi đây, Đại Từ sẽ sớm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện NTM
Bảo Linh