Có lẽ, nghề lái tàu đã chọn anh từ khi còn là một đứa trẻ, bắt vai các bạn xếp thành hàng, hát bài “ xịch xịch xịch, 1 đoàn tàu nhỏ tí xíu, nối đuôi nhau, người đi đầu là chú lái tàu, còn chúng em nối đuôi nhau, thành hàng dài cháu bước một hai”. Anh Dương kể: Do cả hai bố mẹ đều công tác ở ga đường sắt nên ngày bé anh thường xuyên được vào ga và tận mắt nhìn thấy những chuyến tàu chuyển bánh xình xịch, được ngắm nhìn hình ảnh những chú lái tàu vất vả, lấm lem than bụi nhưng đầy kiêu hãnh…Trong đầu anh đã nuôi mơ ước một ngày được cầm lái, điều khiển những chuyến tàu ấy xuyên qua những quả núi, băng qua những ngôi làng, đến khắp các vùng miền của đất nước.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, anh Dương quyết định đi làm nghề lái tàu mà không do dự. Năm 1982, anh tham gia học nghề lái tàu tại Trường Công nhân kỹ thuật vận tải Đường sắt I tại Mê Linh, Hà Nội. Năm 1985, anh được phân công công tác tại Xí nghiệp đầu máy Vinh. Sau nhiều năm thay đổi chỗ làm, từ năm 1991 đến nay, anh công tác tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, được giao nhiệm vụ lái đầu máy Đổi mới D19E chuyên kéo tàu khách Thống Nhất. Thấm thoắt, đến nay anh đã gắn bó với nghề 32 năm. Mỗi chuyến tàu, anh chở theo bao nhiêu hành khách và hàng hóa, chở theo cả những nỗi buồn, vui và kỷ niệm của riêng anh.
Với anh, đầu tàu là tri kỷ, mọi lo toan của cuộc sống, nỗi phiền muộn trong gia đình sẽ tan biến hết mỗi khi anh đặt chân lên buồng lái, kiểm tra đầu máy, nhận nhiệm vụ đưa tàu về đích an toàn.
Anh Nguyễn Cảnh Dương (thứ 3 từ trái sang) giao lưu tại Hội nghị biểu dương công nhân, lao động xuất sắc tiêu biểu ngành Giao thông Vận tải năm 2017
Anh Dương cho biết: lái tàu là một nghề thường xuyên phải xa nhà, làm việc có tính độc lập trong một môi trường rất khắc nghiệt, đòi hỏi người công nhân lái tàu trước hết phải có sức khoẻ tốt, có trình độ chuyên môn tay nghề cao, có tính kỷ luật, đồng thời phải hiểu sâu về quy trình quy phạm, quy trình tác nghiệp đầu máy, Luật Đường sắt và các văn bản liên quan đến công tác chạy tàu, nắm bắt những kỹ thuật tiên tiến, phương tiện hiện đại để kịp thời xử lý mọi tình huống trên đường có thể xảy ra. Đưa đoàn tàu tới đích an toàn, đúng giờ là hạnh phúc của người công nhân lái tàu.
32 năm lái tàu, đã từng được giao nhiệm vụ lái các loại đầu máy từ đầu máy thế hệ cũ như TY7, D12E, rồi đến nay là đầu máy hiện đại công suất lớn D19E, anh luôn chủ động nắm bắt và làm chủ các đầu máy, luôn giữ vững an toàn, không để xảy ra tai nạn chủ quan.
Những đồng nghiệp khác của anh thường nói: để đạt được Kiện tướng lái tàu an toàn là sự cố gắng nỗ lực, phấn đấu không biết mệt mỏi, chắt chiu từng km an toàn cho mỗi chuyến tàu của người công nhân lái máy. Nhưng với anh Dương, những công việc ấy đã trở thành những công việc hết sức bình thường, những việc làm hàng ngày của mình.
Anh cho biết: 2 tiêu chí quan trọng mà bất kỳ người lái tàu nào cũng luôn ghi nhớ đó là phải an toàn và tiết kiệm. Điều đó có nghĩa là người lái tàu phải nắm vững tình hình đường sá của tuyến đường mình phụ trách, công lệnh tốc độ… Luôn chấp hành quy trình quy phạm, nội quy của ngành, của xí nghiệp. Làm tốt chế độ kiểm tra, khám máy khi lên ban và khi xuống ban; sắp xếp thời gian hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất. Kiên quyết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, làm bừa, làm ẩu, làm tắt, gây mất an toàn, lãng phí.
Cung đường tàu của anh từ Hà Nội vào Đà Nẵng, địa hình từng nơi ra sao, đoạn đường nào thẳng, đoạn nào cua anh nắm chắc trong lòng bàn tay. Anh cười hóm hỉnh: “có khi một hòn đá hôm nay trên đường có, mai người ta di chuyển ra chỗ khác tôi cũng nắm được”. “Cứ làm đúng quy định, thì ắt sẽ có 1 chuyến tàu tốt, một chuyến tàu an toàn”. Do đó, từ năm 2011- 2016, anh Dương tiết kiệm hơn 16 ngàn 500 lít nhiên liệu, góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước một khoản chi phí lớn.
Qua quá trình công tác với cương vị là người tổ trưởng, anh luôn luôn cố gắng đưa tổ máy của mình đạt được các chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, anh luôn học hỏi, tìm tòi, sáng tạo và có nhiều sáng kiến cải tiến đưa vào áp dụng trong sản xuất, được Hội đồng Khoa học công nghệ đơn vị khen thưởng, cụ thể: sáng kiến nghiên cứu cải tạo hệ thống báo ghi tốc độ bằng giấy nền sang hệ thống báo ghi tốc độ bằng thẻ từ của Đầu máy D19E lắp trên đầu máy D12E; Đề án nghiên cứu cải tạo đèn pha đầu máy D19E, từ sử dụng hai bóng pha sang một bóng pha công suất lớn - đảm bảo an toàn chạy tàu; sáng kiến cải tiến sửa chữa, khôi phục, cân chỉnh kim phun động cơ 3412E, đầu máy D8E.
Trong những năm qua, anh luôn giữ vững an toàn, không để xảy ra tai nạn, 6 lần đạt danh hiệu “Kiện tướng An toàn chạy tàu” của Tổng công ty đường sắt Việt Nam tặng, tổng km an toàn đạt được là 832.291km. Trong lái tàu, nhiều lần đã xử lý hãm tàu kịp thời, dừng, tránh tai nạn trên đường sắt, đã được xí nghiệp và cấp trên ghi nhận và khen thưởng.
Hưng Vũ