TĐKT – Sáng 14/9, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018 với chủ đề “Giữ cho hành tinh luôn mát lành, nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn và khí hậu của chúng ta”, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm về tác động kinh tế - xã hội khi Việt Nam phê chuẩn Bản sửa đổi, bổ sung Kigali về kiểm soát và loại trừ các chất HFC.
Tới dự, có: Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; bà Tina Birmpili, Thư ký điều hành, Ban Thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; cùng các lãnh đạo, đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương.
Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn năm 2018
Trong Nghị quyết số 49/114 ngày 19/12/1994, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố lấy ngày 16/9 là Ngày quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn nhằm kỷ niệm ngày ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn vào năm 1987.
Nghị định thư Montreal quy định loại trừ hoàn toàn chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhóm CFC (clorofluorocarbon) từ ngày 1/1/2010 và từ năm 2010, tất cả các nước thành viên sẽ triển khai loại trừ các chất HCFC và loại trừ hoàn toàn các chất HCFC (hydrochlorofluorocarbon) vào năm 2030 ở các nước đang phát triển.
Việc ký kết và thực hiện Nghị định thư đã nhận được sự đồng thuận toàn cầu của các chính phủ, 196/196 quốc gia đã phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư, sự đồng thuận của các ngành, tập đoàn công nghiệp, của tất cả những người sử dụng trên toàn thế giới.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Việt Nam tham gia phê chuẩn Nghị định thư Montreal từ tháng 1/1994. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn được đánh giá là nước thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế trong khuôn khổ Nghị định thư Montreal. Lượng tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn (nhóm CFC, HCFC…) ngày càng được hạn chế.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2010, toàn bộ các chất nhóm CFC sẽ bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lượng sử dụng các chất HCFC ở Việt Nam hiện vẫn còn cao, vào khoảng 3.000 tấn và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các chất HCFC được sử dụng chủ yếu trong làm lạnh và điều hòa không khí, nhiều nhất là trong ngành chế biến xuất khẩu thủy sản, sản xuất xốp panel cách nhiệt và tấm lợp cách nhiệt. Theo tính toán của các chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam cần khoảng 20 triệu USD để loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng các chất HCFC trong vòng 15 - 20 năm nữa.
Đây được xem là một bài toán lớn đối với ngành tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đức vẫn khẳng định dù khó khăn đến mấy, ngành vẫn quyết tâm làm và làm đến cùng. Hiện, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cùng với Ngân hàng Thế giới tiến hành thu thập thông tin về lượng và lĩnh vực sử dụng HCFC ở Việt Nam. Dự kiến, năm 2010 phối hợp xây dựng các dự án tìm kiếm tài trợ quốc tế cho các doanh nghiệp, đến năm 2011 sẽ triển khai thực hiện các dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành các biện pháp chính sách nhằm bảo đảm để Việt Nam tuân thủ hạn định loại trừ các chất HCFC theo quy định của Nghị định thư Montreal.
Phát biểu tại Hội nghị, Bbà Tina Birmpili, Thư ký điều hành, Ban Thư ký Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhấn mạnh những kết quả những thành tựu mà nhờ có cam kết phối hợp của các Bên thuộc Nghị định thư Montreal, bao gồm Việt Nam.
Theo đó, nhiều chất làm suy giảm tầng ô-dôn trong bầu khí quyển đã được loại trừ và các dự đoán khoa học cho thấy tầng ô-dôn sẽ hoàn nguyên ở mức năm 1980 vào năm 2060. Cho đến năm 2030, có thể ngăn chặn được 2 triệu ca ung thư da mỗi năm; ngăn ngừa được hàng triệu ca đục thủy tinh thể; ngăn ngừa phát thải hơn 135 triệu tấn CO2 tương đương từ năm 1990 đến năm 2010 khi hầu hết các chất làm suy giảm tầng ô-dôn bị loại trừ, đóng góp quan trọng vào giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Dự kiến đạt được các lợi ích về kinh tế và sức khỏe trị giá hơn 2,2 nghìn tỷ USD vào năm 2060 nhờ tránh được các tổn hại đối với sức khỏe, nông nghiệp, ngư nghiệp và vật liệu.
Đối với Việt Nam, bà Tina Birmpili cho biết, Việt Nam đã đóng góp vào sự thành công của Nghị định thư Montreal thông qua loại trừ tiêu thụ 800 tấn ODP các chất làm suy giảm tầng ô-dôn tính đến nay. Cho đến nay, Quỹ Đa phương thi hành nghị định thư Montreal đã cung cấp hơn 18.000.000 USD hỗ trợ loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn.
Tuy nhiên, để bảo vệ những thành công trên, Bà Tina Birmpili đề nghị tất cả các thành viên phải tiếp tục tuân thủ các quy định của Nghị định thư. Năm nay, các kết quả nghiên cứu công bố cho thấy phát thải CFC-11, chất làm suy giảm tầng ô-dôn nhiều thứ hai do Nghị định thư Montreal kiểm soát đã gia tăng bất ngờ, mặc dù sản xuất chất này đã bị cấm trên phạm vu toàn cầu từ năm 2010. “Cần phải có hành động mang tính quyết định đối với bất kỳ việc sản xuất và tiêu thụ CFC-11 hoặc bất kỳ chất nào đã bị loại trừ” – Bà Tina Birmpili nhấn mạnh.
Bình Nguyên