TĐKT - “Hành trình cho là nhận” là cuốn sách tái hiện lại cuộc hành trình khởi nghiệp và trưởng thành trong kinh doanh, quản trị của tác giả Nancy Quyên – Giám đốc Vùng BNI Hà Nội 2 (thuộc tổ chức kết nối thương mại BNI Việt Nam) vừa chính thức ra mắt bạn đọc vào chiều 12/9, tại Hà Nội.
Làm chủ một doanh nghiệp, điều hành một tổ chức kết nối hàng trăm doanh nghiệp – chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ hình dung về quyền lực một “bà đầm thép” thế nhưng với “Hành trình cho là nhận”, một hình ảnh rất khác của một nữ lãnh đạo đã được khắc họa.
Tác giả Nancy Quyên, Giám đốc Vùng BNI Hà Nội 2 chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt sách
Người phụ nữ ấy say sưa kể về hành trình kết nối của mình bằng tình yêu mãnh liệt của một người say nghề, bằng cái đầu lạnh lùng của người lãnh đạo, bằng ý chí của một người khởi nghiệp.
Nancy Quyên xuất phát điểm là một doanh nhân, là một người làm trong ngành nhân sự nên hiểu được những khó khăn mà người kinh doanh thường gặp phải. Không chỉ giai đoạn khởi nghiệp mới đầy chông gai, làm sao để vận hành cỗ máy trơn tru, chuyên nghiệp trên chặng đường dài lâu mới chính là cái tài của người lãnh đạo. Có câu nói hài hước rằng “Làm sếp là nghề cô đơn nhất”, ngẫm lại càng thấy thấm thía bởi “sự tổn thương của người lãnh đạo đôi khi không giống những người bình thường”. Để đến bục thành công, người lãnh đạo không chỉ hy sinh quỹ thời gian của cá nhân mà còn có cả nước mắt, những sự hiểu lầm, vấp váp “Tôi tự hỏi mình, tại sao lại đi làm thứ việc quá cực hình như thế này, việc đó đâu có đem lại mức thu nhập đáng kể gì?” “Đại bàng lột xác” là hình ảnh Nancy Quyên dùng để nói về người lãnh đạo.
Đâu là chiếc chìa khóa để giải đáp những bài toán nan giải kinh điển của người lãnh đạo, người kinh doanh? Đó là “chia nhỏ để nhân rộng”, là “tái cấu trúc”, “truyền cảm hứng” để “tạo ra sức mạnh đám đông”… Nancy Quyên không hề “giấu nghề” khi chia sẻ về các kỹ năng quản trị của mình. Một chiếc chìa khóa mà bất cứ ai trong mọi lĩnh vực cũng cần có đó là sự cân bằng. Cân bằng để hai từ “giá như” không bao giờ phải xuất hiện, để không phải hối tiếc thời gian đã trôi qua. Kỹ năng cân bằng giống như chiếc khóa vạn năng mở ra mọi cánh cửa, dù có lúc tưởng chừng đã rơi vào ngõ cụt.
Bằng cái nhìn của người trong cuộc, Nancy Quyên không ngần ngại chia sẻ bí quyết của mình bởi hơn ai hết, tác giả hiểu rằng “cho đi là nhận lại”, khi mình giúp đỡ người khác bằng kinh nghiệm, hiểu biết của mình cũng là lúc mình được nhận lại sự quý mến và “Những người thành công luôn luôn tìm kiếm cơ hội để giúp đỡ người khác. Những người không thành công luôn luôn hỏi, ‘Tôi được lợi gì?’”
Dễ cảm nhận được khi đọc “Hành trình cho là nhận” là nhiệt huyết với công việc, với việc kết nối cộng đồng doanh nhân của người viết. Người phụ nữ ấy cũng giàu tình cảm, yếu đuối như bao người phụ nữ khác nhưng lại cứng rắn, nghiêm khắc khi giải quyết công việc. Xây dựng một cộng đồng thực sự có ích, hỗ trợ lẫn nhau để phát triển là giá trị mà Nancy Quyên đang nỗ lực thực hiện. Quãng thời gian làm việc tại tổ chức kết nối thương mại BNI Việt Nam đã đem đến Nancy nhiều cơ hội để phát huy khả năng. Đó cũng chính là vấn đề mà nhiều người đang loay hoay để đưa ra quyết định: Chọn công việc nhàm chán nhưng ổn định hay chọn dấn thân vào công việc mới nhiều thách thức.
Thông điệp mà Nancy Quyên muốn gửi gắm qua “Hành trình cho là nhận”: Giá trị của bạn chính là bạn mang lại giá trị gì cho những người xung quanh… “Hành trình nhận về bắt đầu từ khi bạn cho đi. Vũ trụ công bằng và luôn mang lại cho bạn nhiều hơn những gì bạn đã thực sự cho đi.” Chúng ta chỉ nhận ra giá trị của bản thân khi mình đặt mình vào giữa mọi người, người vị kỷ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trên con đường chạm đến thành công.
Mai Thảo