TĐKT - Thấy các cháu học sinh và người dân địa phương ngày ngày vất vả, cực nhọc đến trường, vận chuyển hàng hóa, lưu thông trên tuyến đường tỉnh lộ 932 đã bị xuống cấp nghiêm trọng, luôn rình rập nhiều nguy hiểm, anh Trang Minh Trí, ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng đã tự nguyện bỏ hơn 80 triệu đồng cùng nhiều công lao động; đồng thời vận động nhân dân tham gia góp tiền của, công sức để sửa chữa tuyến đường.
Đến xã An Hiệp, hỏi gia đình anh Trang Minh Trí ai cũng biết. Họ cho biết anh là chủ cơ sở bún khô Thanh Đại, một công dân tốt bụng, làm ăn chân chính, có nhiều đóng góp cho quê hương.
Hoạt động sản xuất bún gạo khô của gia đình anh Trang Minh Trí
Làm chủ một cơ sở bún khô, công việc của anh vô cùng vất vả. Hơn 10 năm qua, anh luôn mơ ước sẽ có nhiều vốn liếng để có thể thay thế một số thiết bị, máy móc hiện đại nhằm phục vụ tốt hơn cho công tác sản xuất bún khô của gia đình. Bên cạnh một số thiết bị hiện có như lò sấy bún gạo, lò sấy mì nui, máy đóng gói, anh mong muốn có thể đầu tư lò hơi mới. Nhưng sự khó khăn về tài chính khiến cho mong muốn của anh còn gác lại.
Dù kiếm đồng tiền không phải dễ dàng với tiểu thương Trang Minh Trí nhưng khi địa phương phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, anh và gia đình đã tích cực hưởng ứng, đồng thời vận động người dân tại địa phương cùng tham gia với mong muốn góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã An Hiệp nói riêng và trên địa bàn toàn huyện Châu Thành nói chung.
Với tinh thần chung sức xây dựng nông mới nhằm góp phần hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới xã An Hiệp vào năm 2018, anh đã có những việc làm cụ thể.
Trong thời gian qua, địa phương đã được nhà nước đã đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn như xây dựng lộ nông thôn, cầu giao thông nông thôn, tuy nhiên vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được nâng cấp do thiếu kinh phí.
Nhận thấy được điều đó, khi tuyến tỉnh lộ 932 nối dài qua ấp Giồng Chùa A về Bưng Tróp bị xuống cấp, hư hỏng nhiều đoạn, gây khó khăn cho học sinh đến trường và ảnh hưởng đến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân, anh đã chủ động bỏ ra 80 triệu đồng để mua đá mi, đồng thời đưa công nhân của cơ sở và vận động người dân xung quanh góp công thực hiện sữa chữa tuyến đường.
Đối với các cuộc vận động của Đảng ủy, UBND xã, gia đình anh đã chủ động đóng góp với mong muốn góp một phần vào việc đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống của người dân địa phương. Cụ thể, anh đã chủ động đóng góp: Hỗ trợ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo, hộ gặp khó khăn về nhà ở; hỗ trợ quà cho hộ nghèo nhân dịp tết; đóng góp xây dựng cầu giao thông nông thôn; hỗ trợ kinh phí lễ hội đua ghe ngo … với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hưởng ứng phong trào do UBND xã phát động về việc “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, anh cùng gia đình dành phần đất trước nhà để trồng hoa và cây xanh, đồng thời vận động bà con xung quanh cùng thực hiện nhằm tạo nét mỹ quan cho bộ mặt nông thôn.
Ngoài ra trong thời gian gần đây, UBND xã tiếp tục tuyên truyền về việc đăng ký thực hiện hộ văn hóa nông thôn mới, ấp văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã. Trên tinh thần đó, gia đình anh đã tiên phong trong việc đăng ký đạt chuẩn hộ văn hóa nông thôn mới đồng thời mạnh dạn vận động bà con trong ấp đăng ký phấn đấu đạt hộ văn hóa nông thôn mới nhằm góp phần cùng địa phương phấn đấu đạt xã nông thôn mới vào năm 2018.
Với vai trò là một cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất bún khô của gia đình anh luôn luôn đảm bảo về an toàn thực phẩm và vấn đề vệ sinh môi trường trong quá trình hoạt động cũng như luôn hoàn thành tốt các nghĩa vụ thuế theo quy định.
Nhằm từng bước hiện đại hóa sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, anh đã không ngừng tìm hiểu, tiếp cận với các loại máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất.
Mới đây, với sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương, cơ sở làm bún gạo khô Thanh Đại đã mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, đưa chiếc lò hơi mới vào sử dụng, công suất cao gấp 1,5 lần so với lò hơi cũ lâu nay. Nhờ vậy, cơ sở làm bún gạo khô của gia đình anh đã tiết kiệm được nhiều chi phí, các sản phẩm của cơ sở làm ra có mẫu mã đẹp hơn, sức cạnh tranh trên thị trường lớn hơn.
Trong những năm qua, kinh tế của xã An Hiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, toàn xã có trên 70 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, qua đó đã tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2016 đạt trên 95 tỷ đồng, chiếm trên 13% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện.
Cơ sở cơ sở bún khô của gia đình anh Trang Minh Trí cũng đóng góp không nhỏ vào con số chung đó. Hàng năm, cơ sở bún khô Thanh Đại cung cấp ra thị trường Tây Nam Bộ và một số tỉnh thành lân cận khoảng 200 tấn sản phẩm với tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 50 lao động địa phương.
“Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo các định hướng phát triển kinh tế do các cơ quan địa phương đề ra: Tham gia thực hiện điểm mô hình phát triển sản xuất có tiềm năng phát triển kinh tế tại địa phương, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi từ các phương thức làm ăn kém hiệu quả sang các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với nhu cầu thị trường, nhằm góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống người dân...” - anh Trang Minh Trí chia sẻ.
Với những đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, anh Trang Minh Trí đã nhiều năm liền được tặng Bằng khen UBND tỉnh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Giấy khen của UBND huyện. Đặc biệt, năm 2017, anh được tặng Bằng khen là gương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Hưng Vũ