TĐKT - Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đã tạo được lòng tin và quyết tâm chính trị cao đối với lãnh đạo các cấp và được nêu rõ tại Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mục tiêu hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại” được tổ chức vào ngày 24/7 góp phần thúc đẩy hơn nữa cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ theo Nghị quyết số 19/NQ-CP, đánh giá thực trạng, khắc phục những tồn tại, hạn chế về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Từ đó, đưa ra những giải pháp mang tính hệ thống, đồng bộ, thống nhất và công bố kế hoạch hành động cụ thể của Chính phủ nhằm thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Cộng đồng doanh nghiệp đã có phản ứng rất tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan Chính phủ với mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai cơ chế một cửa quốc gia; cải cách sâu rộng công tác kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan Chính phủ.
Các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho các cơ quan Chính phủ để đẩy nhanh tiến trình cải cách, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Từ một khái niệm hoàn toàn mới, Việt Nam đã từng bước hình thành hệ thống pháp luật, tạo nền tảng cho việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam về thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, đồng thời tạo nền tảng pháp lý khi đàm phán với các đối tác thương mại ngoài ASEAN trong việc trao đổi và công nhận dữ liệu, chứng từ thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa qua biên giới.
Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2018, các bộ, ngành sẽ khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về vấn đề này. Trên cơ sở Kế hoạch hành động của Chính phủ, các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch hành động của đơn vị mình và tổ chức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa; phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, cần rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).
Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.
Thủ tướng mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình. Thủ tướng hy vọng, sau hội nghị này sẽ có chuyển biến mới về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.
La Giang