TĐKT - Với diện tích 10 ha cam, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, cây cam Cao Phong đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Nguyễn Thế Bình (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).
Vườn cam Cao Phong của ông Bình luôn sai trĩu quả
Lên vùng đất Cao Phong từ năm 1999, là công nhân của nông trường Cao Phong, ông và gia đình đã bắt đầu trồng cam từ những năm 2000. Lúc đầu do thiếu vốn, ông đã phải vay ngân hàng để đầu tư mua giống, phân bón. Với diện tích 2 ha, gia đình ông Bình trồng nhiều loại cam: Quýt ôn châu, cam lòng vàng, cam canh, cam xã Đoàn…
Tuy nhiên, theo ông Bình: Đó là thời kỳ cây cam Cao Phong chưa có thương hiệu cũng như chưa được nhiều người biết đến, sản phẩm cam quả làm ra lúc đó rất rẻ chỉ từ 2000 đến 5000 đồng/kg. Do vậy, đối với những hộ gia đình trồng cam như tôi nói riêng và người dân Cao Phong nói chung khi trồng cam là cả một quá trình khó khăn và rất vất vả.
Không nản lòng, ông tích cực học hỏi, tìm tòi và áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng cam. Ông đã kết hợp các loại phân bón của các nhà máy sản xuất phân bón uy tín trong nước và các loại phân bón nhập khẩu của các nền nông nghiệp tiến tiến như Mỹ, Nhật, Châu Âu…vào chăm sóc cây cam. Nhờ vậy, cho năng suất cao hơn, phẩm chất quả tốt hơn.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cam Cao Phong, ông Bình cho biết: Tôi thực hiện bón nhiều phân hữu cơ như phân chuồng đã qua ủ và xử lý bằng men vi sinh đúng thời gian làm cho đất được tơi, xốp, đảm bảo nhiều dinh dưỡng cho cây cam hấp thụ tốt và bền vững, giảm được nhiều lượng phân vô cơ như NPK, đất sẽ không bị chai cứng, ngoài ra còn tưới, rắc đạm hữu cơ từ sinh vật như đậu tương, ngô đã qua xử lý men vi sinh. Nhờ đó, cam phát triển rất tốt, lá xanh dày, cho năng xuất cao, phẩm chất quả được nâng lên rõ rệt, năm sau luôn cao hơn năm trước, mang nhiều nét đặc trưng cam Cao Phong như vị thơm, ngọt, đậm, quả to, mẫu mã đẹp.
Ông luôn ý thức rất cao trong việc phòng trừ sâu bệnh, sử dụng chúng và thường lấy phòng là chính, lựa chọn loại thuốc bảo vệ cho cây được sản xuất từ thảo mộc thiên nhiên. Phòng bệnh gì thì phun thuốc bệnh đó, không phun tràn lan và chỉ sử dụng các loại thuốc được nhà nước cấp phép sử dụng.
Theo ông Bình, thường thì sâu bệnh phát triển và phá hoại vào mùa lộc non, quả non như cuối xuân và mùa hè trước mùa mưa, bởi vậy ông chủ động phòng trừ rất hiệu quả. Khi sang mùa đông cũng là mùa thu hoạch cam, sâu bệnh không còn, các nấm bệnh, vi khuẩn không hoạt động và bị tiêu diệt nên việc bảo vệ thực vật hầu như không diễn ra cho tới đầu mùa hè năm sau.
Từ tháng 3 năm 2014, ông tham gia chương trình trồng cam theo tiêu chuẩn Viet Gap và đã tuân thủ làm theo hướng dẫn của chương trình như bón phân, tưới nước, bảo vệ thực vật đúng loại, đúng lúc, đúng thời gian cách ly an toàn, có kho tàng gọn gàng, sạch sẽ và ghi chép rõ ràng.
Năm 2016, vườn cam của ông cho thu hoạch được 150 tấn cam, quýt các loại, đem lại thu nhập 4 tỷ đồng và được cấp Giấy chứng nhận cam sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap. Niềm vui nhân đôi khi ông mua được ô tô, đã xây được ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, cuộc sống gia đình đầm ấm, yên vui, các cháu chăm ngoan, học giỏi, thi cử đỗ đạt.
Cũng trong năm này, ông kết hợp với một số anh em thành lập lên Hội trồng cam thị trấn Cao Phong với mục đích chủ yếu là phổ biến kỹ thuật trồng và chăm sóc cam Cao Phong các loại đồng thời tìm hướng mới trong việc tiêu thụ sản phẩm Cam Cao Phong.
Từ đây, sản phẩm cam của các hội viên làm ra đến đâu được bao tiêu hết đến đó; được thị trường nhiều tỉnh biết đến. Ngày càng nhiều đơn đặt hàng tìm đến ký hợp đồng nhận bao tiêu sản phẩm.
Cũng theo ông Bình cho biết, đến vụ thu hoạch cam vì số lượng diện tích lớn, trung bình khoảng 200 tấn/năm với các loại cam khác nhau, do đó ông thường cắt cam và bán cho khách buôn cam từ các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội…. đồng thời cắt lẻ cho khách bán cam tại huyện.
Sự nỗ lực không ngừng để vượt qua khó khăn, không sợ thất bại, luôn tìm tòi, khám phá, vươn lên làm giàu của ông Nguyễn Thế Bình đã lan tỏa khắp thị trấn Cao Phong. Ông tích cực hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật cũng như kinh nghiệm cho các hộ gia đình khác cùng trồng Cam, giúp đỡ gia đình nghèo, tạo việc làm cho nhân dân. Ngoài ra còn hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân các vùng lân cận trong huyện và cả ngoài các tỉnh về học tập kinh nghiệm.
Ông còn ủng hộ hàng trăm triệu đồng giúp đỡ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cho vay vốn, giúp mua sắm thiết bị, máy móc, vật tư xây dựng để phục vụ sản xuất. Nhiều hộ gia đình đã xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Ngoài ra, ông cũng tích cực tham gia đóng góp các phong trào địa phương: Đóng góp xây dựng nhà văn hóa Khu 4 với số tiền 10 triệu đồng, đóng góp quạt trần, bàn ghế với số tiền 4 triệu đồng cho nhà văn hóa khu; đóng góp xây dựng Quỹ Người có công 27/7 hàng năm (năm 2015, năm 2016 đóng góp 3 triệu đồng)…
Bảo Linh