TĐKT – “Sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất là chìa khóa giúp Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao phát triển ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đảm bảo môi trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động suốt nhiều năm qua” - Đó là lời khẳng định của người chèo lái con thuyền Supe Lâm Thao, Tổng Giám đốc Phạm Quang Tuyến tại Hội nghị sơ kết 5 năm phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo” trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) giai đoạn 2012 – 2017 do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức vừa qua.
Ông Tuyến cho biết, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” luôn đóng góp vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xuyên suốt toàn bộ quá trình lịch sử xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Sơ kết trong giai đoạn 5 năm (2012 - 2017), đã có 1.718 sáng kiến của 4.235 tác giả được công ty công nhận, với tổng giá trị làm lợi là 541 tỷ đồng; 309 người được nhận Danh hiệu Lao động giỏi, sáng tạo của công ty, 61 người được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.
Ông Nguyễn Quang Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao chia sẻ kinh nghiệm triển khai phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại đơn vị mình
Chia sẻ về kinh nghiệm “gây dựng” thành công phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại đơn vị mình, Tổng giám đốc Nguyễn Quang Tuyến cho biết: Ngay từ đầu mỗi năm, Ban lãnh đạo Công ty luôn phối hợp chặt chẽ với Ban chấp hành Công đoàn xây dựng và phát động phong trào này với những nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng tập thể và người lao động làm căn cứ đăng ký phấn đấu thực hiện. Qua đó, tuyên truyền, hướng dẫn, động viên người lao động tích cực tham gia phong trào.
Xác định rằng, mọi vấn đề nảy sinh, những khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất đều được phát hiện và giải quyết từ các ca, tổ sản xuất, công ty đã lựa chọn tổ sản xuất, ca sản xuất, tổ nghiệp vụ là những đối tượng tổ chức vận động và thực hiện phong trào.
Tương ứng với đó sẽ là các sáng kiến, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa trong quá trình sản xuất bao gồm các giải pháp kỹ thuật, quản lý, nghiệp vụ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại lợi ích thiết thực: Nâng cao chất lượng sản phẩm; giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc và bảo vệ môi trường.
Để đánh giá khách quan, chuẩn xác những sáng kiến, sáng tạo, công ty đã thành lập Hội đồng Khoa học kỹ thuật sáng kiến tiết kiệm. Trước đây, Hội đồng này gồm các đồng chí trưởng các bộ phận chuyên môn, tiếp nhận các đề tài sáng kiến và tổ chức họp đánh giá chung theo từng đợt. Tuy nhiên, từ năm 2012, Hội đồng này đã được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn, với 3 Tiểu ban: Tiểu ban Khoa học công nghệ; Tiểu ban Cơ khí điện tự động hóa và Tiểu ban Kinh tế – Quản lý.
Theo đó, các sáng kiến sẽ được thường trực Hội đồng xem xét, tách ra theo từng mục và chuyển cho các Tiểu ban theo đúng chuyên môn. Việc tách các Tiểu ban đã giúp việc xem xét, đánh giá các đề tài, sáng kiến được chính xác và nhanh chóng hơn.
Ông Tuyến nêu rõ: Về mặt chuyên môn, công ty xác định, lao động sáng tạo không nhất thiết đòi hỏi phải có trình độ cao mà đa phần đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn người lao động thường gặp trong quá trình sản xuất và công tác. Do vậy, lao động sáng tạo phải có tính quần chúng rộng rãi.
Thực tế cho thấy những sáng kiến, đề tài công ty áp dụng đều xuất phát từ những yêu cầu thực tế của tình hình sản xuất, kinh doanh nên đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong quá trình sản xuất; khai thác tiềm năng và sử dụng có hiệu quả máy móc thiết bị, vật tư, gắn với đổi mới công nghệ, thiết bị; không ngừng cải tiến, đổi mới trong công tác quản lý để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, ông Tuyến cũng thẳng thắn chia sẻ rằng: Lúc đầu triển khai phong trào này tại công ty không đạt được nhiều kết quả như mong đợi do phần lớn người lao động đặc biệt là công nhân lao động trực tiếp vẫn có tâm lý e dè, ngại ngần.
Nhớ lời Bác dạy phong trào thi đua phải kêu gọi được đông đảo các tầng lớp tham gia, không phân biệt đối tượng “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”, Ban lãnh đạo và Ban chấp hành công đoàn công ty đã quyết tâm tìm cách xóa bỏ tâm lý e ngại đó, khơi dậy tiềm năng sáng tạo của toàn thể người lao động.
Bên cạnh Hội đồng Khoa học kỹ thuật của công ty là nơi tiếp nhận và xét các đề xuất sáng kiến của người lao động, Công đoàn công ty đã chỉ đạo các công đoàn bộ phận phối hợp với chuyên môn tổ chức các nhóm hỗ trợ sáng kiến tại đơn vị, khích lệ người lao động đưa ra ý tưởng sáng tạo. Nhóm hỗ trợ sẽ giúp tác giả làm các thủ tục cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để tác giả trình bày ý tưởng.
Dù là sáng kiến lớn hay nhỏ, dù người đề xuất là kỹ sư hay công nhân đều được tôn trọng và khuyến khích. Mỗi ý tưởng, đề xuất khả thi đều được đơn vị tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thử nghiệm trước khi đưa vào áp dụng thực tế.
Với sự khích lệ và hỗ trợ như vậy, tất cả người lao động đã tự tin, mạnh dạn đưa ra các ý tưởng, đề xuất và điều đó tiếp thêm động lực cho những người xung quanh, tạo nên phong trào thi đua giữa tổ, ca này với tổ, ca khác, từ đơn vị này sang đơn vị khác, tạo cú hích mạnh mẽ, sự thay đổi trong tư duy của người lao động.
Nhiều cá nhân thuộc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao được trao tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Để phong trào lan tỏa rộng khắp, Ban chấp hành Công đoàn công ty chỉ đạo mỗi cán bộ công đoàn là một hạt nhân của phong trào, có trách nhiệm tìm ra các nhân tố tích cực, xây dựng làm nòng cốt để thúc đẩy phong trào lan toả sâu rộng.
Để khuyến khích người lao động phát huy tính sáng tạo, chủ động đề xuất các ý tưởng sáng kiến, công ty gắn hoạt động lao động sáng tạo với các phong trào thi đua khác. Hoạt động lao động sáng tạo là một chỉ tiêu đăng ký danh hiệu thi đua của tập thể, cá nhân, là một tiêu chí để xét khen thưởng hàng năm, nhất là đối với danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
Ngoài các vấn đề nêu trên, một yếu tố quan trọng đề phong trào thi đua Lao động sáng tạo phát triển mạnh, đó là các quyền lợi vật chất mà người lao động được hưởng khi có sáng kiến, sáng tạo. Công ty đã xây dựng Quy chế Quản lý hoạt động khoa học và sáng kiến tiết kiệm của công ty, quy định mức khen thưởng cho các sáng kiến, sáng tạo.
Đặc biệt, từ năm 2014 Ban lãnh đạo Công ty đã ban hành Quy chế tặng danh hiệu Lao động sáng tạo cấp công ty cho các cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho phong trào thi dua Lao động sáng tạo. Đây là điểm nhấn, khích lệ người lao động tham gia phong trào.
Hàng năm, Ban lãnh đạo Công ty phối hợp Ban chấp hành Công đoàn Công ty phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết công tác khoa học kỹ thuật kết hợp tổng kết công tác công đoàn. Tại Hội nghị, bên cạnh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn còn có các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo được tôn vinh.
Những chế độ đãi ngộ, những phần thưởng cả về vật chất và tinh thần đó đã khích lệ, là động lực phát huy sức sáng tạo của người lao động, từ cán bộ, kỹ sư đến công nhân lao động trực tiếp. Điều đó đã đem lại thành công cho phong trào thi đua Lao động sáng tạo của công ty nhiều năm qua. Tại công ty, đã có nhiều đề tài sáng tạo được nhận các giải thưởng cao tại các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, toàn quốc.
Mai Thảo