TĐKT - Nhắc đến Bác sĩ - Thầy thuốc Ưu tú Phạm Hồng Phương, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An là nhắc đến một người bác sĩ với trái tim ấm nóng, giàu nhiệt huyết với đời, với nghề được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu mến.
Bác sĩ Phạm Hồng Phương chăm sóc bệnh nhân
Bác sĩ Phạm Hồng Phương tâm sự, cái duyên đến với nghề y của anh chính là nhờ “thâm niên” nằm viện. Cả tuổi thơ của anh, cha mẹ hết mang anh nằm bệnh viện huyện Diễn Châu đến bệnh viện tỉnh Nghệ An. Anh quen thuộc với những mũi tiêm, với mùi bệnh viện, với bóng áo trắng cũng như những cơn đau của bệnh viêm khớp hành hạ anh qua tháng, qua năm. Nhưng khó khăn không ngăn được quyết tâm học thật giỏi trong anh. Chính vì vậy, năm 1986, anh là một trong rất ít thí sinh ở huyện Diễn Châu và tỉnh Nghệ An ngày ấy thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Trong tâm niệm của anh, thứ nhất theo ngành y để điều trị được bệnh cho mình, hơn nữa, anh cảm thấy yêu ngành y bởi quãng thời gian dài là bệnh nhân của các bệnh viện. Quãng đời sinh viên y khoa cũng là quãng thời gian khá vất vả với anh, vì thể trạng ốm yếu. Đến năm thứ 3 đại học, anh đã có thể tự điều trị bệnh cho mình và sức khỏe của anh dần khá hơn. Chính điều này đã giúp anh nhìn người bệnh với cái nhìn của một người bệnh, đầy cảm thông, thương xót nhưng quan trọng hơn cả, đó là động lực để anh vươn lên trở thành một bác sĩ giỏi nghề, quyết tâm cứu giúp người bệnh.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp đại học, anh trở về quê Nghệ An, xin việc tại khoa Tim mạch Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An và gắn bó với bệnh nhân tim mạch từ ngày ấy tới giờ. Hơn 20 năm gắn bó và chứng kiến bao nhiêu ca bệnh, là bấy nhiêu cảnh đời, bấy nhiêu số phận, bác sĩ Phương cũng có chừng ấy niềm vui, nỗi buồn. Những ngày đầu về viện là những tháng ngày đầy vất vả bởi lúc đấy bệnh viện còn nghèo nàn, máy móc, trang thiết bị chẳng có gì khác ngoài máy điện tâm đồ, vì vậy cơ hội cứu sống bệnh nhân là không nhiều. Hồi đấy anh luôn bị ám ảnh bởi sự bất lực trước người bệnh. Với bất cứ người thầy thuốc nào thì đó là nỗi đau xót lớn nhất.
Đối với anh, y đức người thầy thuốc thể hiện qua thái độ với người bệnh, chăm sóc bệnh nhân thế nào, có thương người bệnh không. Nhưng điều trước tiên để nói về y đức cần phải là hiệu quả điều trị bệnh. Một bác sĩ có tâm phải là người không ngừng trau dồi tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ để trị khỏi bệnh và giảm chi phí cho bệnh nhân. Trong hàng ngàn bệnh nhân đã qua đây, anh nhớ nhất một bệnh nhân trẻ tuổi, bị suy tim nặng mà anh là bác sĩ điều trị, theo dõi lâu năm. Một lần kia, bệnh nhân trở nặng, nhập viện, khi đó anh lại đang có chuyến công tác xa. Các y, bác sĩ trong khoa kể lại rằng, người bệnh đó chỉ gọi tên anh trong nỗi khẩn cầu: “bác sĩ Phương, bác sĩ Phương” trước khi mãi mãi đi xa…
Niềm tin cậy, gửi trao của mỗi người bệnh chính là điều hối thúc trong anh rằng mình phải làm gì để xứng đáng với niềm tin ấy. Anh là người đề xuất để phát triển các chuyên môn, kỹ thuật và nhận được sự đồng tình cao của ban giám đốc bệnh viện. Các nhân lực được cử đi học, trang thiết bị được mua sắm, niềm vui nhân lên từ nhiều ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống. Sự phát triển có tính đột phá và ngày càng vững chắc ấy có công lao không nhỏ của anh - bác sĩ trầm lặng Phạm Hồng Phương. Anh mừng vui khoe rằng mới đây thôi, các anh cứu sống bệnh nhân Nguyễn Xuân Việt, Chu Văn Hậu bị nhồi máu cơ tim, khi vào đây đã trong tình trạng ngừng tuần hoàn. Từ năm 2009 đến nay, sau khi bệnh viện cử các bác sĩ đi học tập, nắm bắt kỹ thuật cao và được mua sắm nhiều máy móc, số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa tăng từ 40 - 50 đến 140 - 150 bệnh nhân. Khoa tiến hành can thiệp mạch vành được gần 1000 trường hợp, can thiệp gần 60 ca tim bẩm sinh, phối hợp với Khoa Ngoại tiến hành phẫu thuật tim hở cho gần 200 trường hợp, đã tiến hành cấy máy tạo nhịp tim. Hiện khoa có 7 bác sĩ có chuyên môn can thiệp mạch. Có 6/13 bác sĩ của khoa đang được tạo điều kiện đi học nâng cao về chuyên môn tại Hà Nội. Theo bác sĩ Phương thì phải hết sức khuyến khích để lớp trẻ được nắm bắt các kỹ thuật cao qua các lớp đào tạo, cầm tay chỉ việc…
Trăn trở lớn nhất của anh là thực trạng bệnh nhân tim mạch, tim mạch chuyển hóa, cùng với ung thư đang ngày một nhiều hơn, trở thành gánh nặng của các gia đình và xã hội. Đặc biệt, bệnh mạch vành, tăng huyết áp tăng một cách nhanh chóng. Việc khám, chữa bệnh ban đầu chưa được thực hiện tốt khiến bệnh nhân khi chuyển về tuyến cuối thường đã nặng nên cơ hội chữa khỏi giảm, cũng như gánh nặng về kinh phí của người bệnh tăng cao. Người bệnh nặng nhiều, trong số đó cũng nhiều người nghèo, chi phí cho quá trình điều trị hay can thiệp thì đắt đỏ. Việc thanh toán bảo hiểm hay mua sắm thuốc men cho các bệnh nhân tim mạch hiện nay cũng đang có những khó khăn. Vì vậy, thật xót xa khi nhiều người bệnh không có hay buộc phải từ chối cơ hội điều trị.
Để phát triển chuyên môn, nâng cao hơn nữa cơ hội sống của người bệnh, theo bác sĩ Phương, bên cạnh việc cử nhân lực đi học tập thì rất cần đầu tư trang thiết bị, áp dụng các kỹ thuật cao. Anh cùng với tập thể khoa sẽ theo đuổi chiến lược phát triển trung tâm tim mạch trong lòng bệnh viện để sớm xây dựng bệnh viện trở thành địa chỉ đỏ về y tế của khu vực Bắc Trung bộ.
Với những nỗ lực không ngừng, bác sĩ Phạm Hồng Phương đã luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua từ năm 2005 đến nay, 2 lần anh được tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, được phong danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Anh cũng đã học cao học từ những năm 1997 - 2000, hiện đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ.