TĐKT – Sáng 16/6, tại Siêu thị Hapro C13 Thành Công, Hà Nội, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) phối hợp với Sở Công thương tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Hà tổ chức “Tuần lễ vải thiều Thanh Hà – Hải Dương tại Hà Nội ”.
Theo đó, từ ngày 16/6, tại 24 điểm Hapromart và Haprofood của Hapro và 9 siêu thị Intimex của Công ty cổ phần Intimex, vải thiều Thanh Hà được sản xuất theo quy trình Vietgap, Global Gap đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm sẽ được trưng bày tại các vị trí bắt mắt, tiện lợi cho việc mua sắm của người tiêu dùng, với giá bán niêm yết là 25.000 đồng/kg.
Người tiêu dùng mua vải thiều Thanh Hà tại siêu thị C13 Thành Công, Hà Nội
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty thương mại Hà Nội Hapro cho biết: Thương mại nội địa là một trong hai lĩnh vực kinh doanh chính của Hapro. Thời gian qua, công ty đã hỗ trợ cho rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tiêu thụ, cũng như quảng bá nhiều sản phẩm có giá trị thông qua hệ thống Hapro. Bằng chứng là, 80% các mặt hàng kinh doanh tại công ty là các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.
Riêng năm 2018, công ty đã và đang triển khai mạnh mẽ chương trình quảng bá, phân phối và tiêu thụ một sản lượng lớn gạo Đồng Tháp, vải thiều Thanh Hà và vải thiều Bắc Giang, được người tiêu dùng đón nhận rất tích cực.
“Thực sự Việt Nam còn rất nhiều sản phẩm có giá trị, mà người tiêu dùng còn chưa biết đến. Hapro luôn mong muốn bằng kinh nghiệm cũng như thông qua hệ thống siêu thị, cửa hàng của mình có thể giới thiệu ngày càng nhiều sản phẩm chất lượng của Việt Nam đến với người tiêu dùng Việt. Không những vậy, thời gian tới, Hapro còn hỗ trợ xuất khẩu vải thiều Thanh Hà ra các nước trên thế giới. Cụ thể, tuần tới đây, lô hàng vải thiều Thanh Hà đầu tiên sẽ được Hapro xuất sang tiêu thụ tại Malaysia và một số thị trường khác nữa” Bà Thanh cho hay.
Lễ ký biên bản ghi nhớ tiêu thụ vải quả và các sản phẩm từ vải giữa Hapro và hợp tác xã, công ty của Thanh Hà
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đánh giá cao vai trò tích cực của Hapro trong việc chung tay giúp đỡ bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm vải thiều; đưa đến tay người tiêu dùng những sản phẩm ngon, tốt, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý.
Bà Lan mong muốn, thời gian tới, tỉnh Hải Dương tiếp tục rà soát các nông sản chất lượng khác trên địa bàn đưa về các kênh phân phối tại Hà Nội nói chung và của hệ thống Hapro nói riêng nhằm mang đến sự yên tâm cho người tiêu dùng. Các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông sản cần tiếp tục nghiên cứu biện pháp đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà đúng vụ đạt được sản lượng cao nhất.
Đối với người tiêu dùng, bà Lan kêu gọi hãy sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tại buổi lễ, đại diện Công ty Siêu thị Hà Nội (Tổng công ty Thương mại Hà Nội) đã ký biên bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ vải quả và các sản phẩm từ vải với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hợp Đức (Thanh Hà) và Công ty TNHH Ong mật Phương Bắc (Thanh Hà).
Thương hiệu vải thiều Thanh Hà nổi tiếng cả trong và ngoài nước, được sản xuất theo quy trình Vietgap, Global Gap để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm. Quả vải Thanh Hà rất đặc biệt, có hương vị đặc trưng riêng, ngon hơn hẳn các loại vải khác ở Việt Nam bởi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng của mảnh đất Thanh Hà mang lại. Vải khi chín có sắc vỏ màu hồng nhạt, lớp vỏ lụa dai căng tròn, sờ hoặc nhìn vào phần gai vỏ lì hơn vải trồng những nơi khác, cùi vải ráo, trắng nõn, hạt vải rất nhỏ, màu nâu sẫm có nhiều trái gần như không có hạt.
Hiện diện tích trồng vải khoảng 3.865 ha, chiếm 40% diện tích đất nông nghiệp của huyện Thanh Hà. Thương hiệu và thị trường tiêu thụ vải ngày càng được mở rộng và vượt qua được những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu trái cây khó tính nhất như Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất và các nước Châu Âu.
Mai Thảo