TĐKT - Bằng ý chí, nghị lực, sự quyết tâm và tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, ông Nguyễn Thanh Phúc (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã vươn lên làm giàu từ trồng cây cảnh và sản xuất nấm cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Thanh Phúc (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, năm 1984, sau khi rời quân ngũ, ông Phúc đã chọn Củ Chi là nơi sinh sống và lập nghiệp. Với kiến thức học được tại Trường Trung cấp Nông nghiệp, năm 1989, ông Phúc quyết định làm nghề trồng hoa, cây cảnh.
“Khi bắt tay vào trồng hoa, tôi gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Các thí nghiệm ươm, ghép giống mới nhiều khi không thành công làm thiệt hại không ít về kinh tế. Hơn nữa, sâu bệnh nhiều gây thiệt hại lớn” - ông Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, khó khăn ấy không làm ông nản chí. Ông đã tự mình nghiên cứu và đi tham quan, học tập những mô hình mới, hiệu quả trên địa bàn trong và ngoài thành phố để từ đó rút kinh nghiệm. Với những kiến thức học tập được cùng việc áp dụng tốt khoa học, kỹ thuật, vườn cây cảnh của ông luôn xanh tốt, cho thu nhập cao.
Hiện ông có 3.500 m2 diện tích trồng hoa, cây cảnh. Ngoài ra, ông còn nhận chăm sóc bảo dưỡng cây xanh cho các công ty, xí nghiệp, trồng cây cảnh cho các công trình.
Bên cạnh trồng cây cảnh, ông Phúc còn sản xuất phôi nấm và trồng nấm linh chi đỏ. Chia sẻ về cái duyên với việc trồng nấm, ông Phúc cho biết: Năm 2012, vợ tôi bị bệnh ung thư. Nghe mọi người nói nấm linh chi đỏ có thể chữa được bệnh ung thư nên tôi đã tìm mua loại thảo dược này và bắt đầu tìm hiểu cách sản xuất nấm.
Để có kiến thức trồng nấm, ông Phúc tích cực tham gia các lớp tập huấn do hội nông dân xã tổ chức. Bên cạnh đó, ông còn tìm đến khu công nghệ cao để học kỹ thuật trồng nấm.
Sau khi nắm được đặc tính và quy trình sản xuất nấm, ông Phúc bắt tay vào trồng thử hơn 10.000 phôi nấm trên 200 m2 đất. Sau 5 tháng, vườn nấm cho thu hoạch hơn 100 kg, thu lợi nhuận trên 40 triệu đồng.
Nhận thấy nấm linh chi đem lại nguồn lợi cao và phù hợp với điều kiện nuôi trồng tại địa phương, ông Phúc quyết định mở rộng quy mô sản xuất lên 1.000 m2 và thành lập Công ty TNHH Dịch vụ giải pháp Phúc Nguyễn (phường 10, quận Gò Vấp) để tiêu thụ loại nấm này.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi nấm linh chi, ông Phúc cho biết: Các khâu từ chọn nguyên liệu đến kỹ thuật hấp, ươm và quan trọng nhất là tạo độ ẩm đều được thực hiện tỉ mỉ. Nhiệt độ từ 25 đến 32 độ C, độ ẩm 90 - 95% là thích hợp nhất với loại nấm này, vì vậy người trồng cần tưới nước và tạo độ ẩm thường xuyên để cây nấm phát triển tốt.
Thấy sự quan trọng của áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nấm, năm 2015, ông Phúc đã đầu tư 3 tỷ đồng để trang bị các thiết bị sản xuất khép kín theo công nghệ nhà kính nhằm đưa ra thị trường sản phẩm sạch, an toàn.
Hiện nay, ông không trực tiếp sản xuất nấm linh chi đỏ mà làm phôi rồi giao cho các hộ nông dân khác, sau đó thu mua lại sản phẩm. Mỗi tháng ông Phúc sản xuất được 45.000 phôi.
Cùng nấm linh chi đỏ, ông Phúc còn tìm hiểu và trồng thêm nấm bào ngư. So với nấm linh chi, nấm bào ngư dễ trồng hơn nhưng giá thành thấp hơn. Mỗi ngày, ông Phúc cung cấp khoảng 70kg ra thị trường.
Ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông Phúc còn tạo việc làm cho 20 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng tại cơ sở sản xuất nấm và trồng cây công trình. Ông cũng hỗ trợ vốn, vật tư kỹ thuật cho 7 hộ nghèo; đồng thời phối hợp với hội nông dân xã tổ chức dạy nghề cho lao động ở địa phương, hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm cho 30 người với thu nhập ổn định.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Phúc là mô hình điểm, được nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Với những thành quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Phúc được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố tặng Bằng khen trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, UBND xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi tặng Giấy khen và đạt danh hiệu “Nông dân tiêu biểu thành phố” năm 2017.
Tùng Chi