Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới
07/06/2018 - 08:36

TĐKT - Sáng 3/6, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018) và tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, điển hình tiên tiến qua các thời kỳ.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Diễn văn tại Lễ kỷ niệm

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tới dự và trình bày Diễn văn Kỷ niệm. Tạp chí Thi đua Khen thưởng trân trọng giới thiệu toàn văn bài Diễn văn Kỷ niệm của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh:

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam!

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, các điển hình tiên tiến trong toàn quốc,

 Thưa các vị đại biểu, khách quý,

Thưa toàn thể đồng chí, đồng bào!

Hôm nay, chúng ta vô cùng phấn khởi và tự hào dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948- 11/6/2018). Thay mặt Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban tổ chức, xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quý vị đại biểu cùng 700 đại biểu là những Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và điển hình tiên tiến cả nước dự Lễ kỷ niệm trọng thể này.

Kính thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!

Có thể nói 70 năm qua, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành lời hiệu triệu, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời kêu gọi đó được truyền đi như một lời hịch thúc giục tất cả mọi người dân phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ra sức thi đua vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước.  Nhưng ngay trong những năm đầu xây dựng chính quyền nhân dân còn non trẻ, trong bối cảnh vô cùng khó khăn trước nguy cơ của "giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm", thế nước như "ngàn cân treo sợi tóc". Ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, nhằm “làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công”. Ngày 11/6/1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với "Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Cách làm là dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua"; “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi...”.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tác dụng lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, cụ thể đã được phát động và hưởng ứng mạnh mẽ, sâu rộng trong cả nước, như phong trào "Tuần lễ vàng", "Vụ chiêm thắng lợi", "Vụ mùa chủ lực", "Cơm no, súng tốt, đánh thắng", "Thanh toán nạn mù chữ, bình dân học vụ", vận động "Đời sống mới", "Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho Bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Hàng chục vạn chiến sĩ dân công từ khắp các nẻo đường của đất nước đã vượt qua bom đạn, đèo cao, vực sâu để chuyển hàng chục vạn tấn lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc; hàng vạn thanh niên xung phong ngày đêm anh dũng mở đường, đảm bảo giao thông và hậu cần phục vụ chiến đấu; đồng bào ở hậu phương ra sức thi đua tăng gia sản xuất; phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong công nhân diễn ra sôi sổi ở nhiều nơi; ngành Giáo dục thi đua xóa nạn mù chữ; ngành Quân giới thi đua sản xuất nhiều vũ khí phục vụ chiến trường, các chiến sĩ thi đua giết giặc lập công,...

Từ các phong trào thi đua, nhiều tấm gương sáng đã xuất hiện. Tại Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ I được tổ chức tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có 154 chiến sĩ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá kết quả thi đua và nhấn mạnh: Thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là tinh thần quốc tế, là góp sức giữ gìn hoà bình và dân chủ thế giới; thi đua là cải tạo con người. "Phong trào thi đua là một trong những thắng lợi lớn của nhân dân ta trong mấy năm kháng chiến này. Nó sẽ làm đà cho những thắng lợi to lớn hơn nữa, vẻ vang hơn nữa về quân sự, chính trị, kinh tế". Người khẳng định:

"Người người thi đua, ngành ngành thi đua,

Ta nhất định thắng, địch nhất định thua".

Đại hội đã bầu 3 Anh hùng Lao động là Trần Đại Nghĩa, Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh; 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị. Đây là 7 Anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân Việt Nam.

Chính sự động viên đó đã tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, động lực mạnh mẽ, nhiều tấm gương quả cảm, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh đã xuất hiện: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; những chiến sĩ bộ đội, những đoàn dân công ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", "máu trộn bùn non", nhưng "Gan không núng, chí không mòn".... Tất cả để góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954.

Sau năm 1954, các phong trào thi đua yêu nước tiếp tục phát triển ở cả hai miền Nam - Bắc với hai nhiệm vụ chiến lược. Một là, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hai là, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt, vừa xây dựng và tạo cơ sở vật chất chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Các phong trào thi đua "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược"; “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, công nhân “Tay búa, tay súng”,"Một người làm việc bằng hai"... được lan rộng khắp miền Bắc.

Đặc biệt, tháng 01 năm 1961, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Nghị quyết về "Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước", các phong trào thi đua đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi trong các ngành, các giới “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”: Trong công nghiệp có phong trào "Sóng Duyên Hải" với hơn 500 xí nghiệp, công trường nhiệt liệt hưởng ứng. Trong nông nghiệp, phong trào "Gió Đại Phong" thu hút hơn 10 nghìn hợp tác xã tham gia. Trong Quân đội, các đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua “Ba nhất”, "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Trong giáo dục, đào tạo có phong trào thi đua "Hai tốt" (Dạy tốt, học tốt) theo tấm gương của "Tiếng trống Bắc Lý". Trong khối các cơ quan có phong trào thi đua “Ba cải tiến”. Trong nhân dân với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người",... các phong trào thi đua ngày càng phát triển lan toả mạnh mẽ trong lao động sản xuất, trong học tập và nhất là trên trận tuyến đánh quân thù của quân dân cả nước, và được đánh giá, tổng kết, tuyên dương qua các đại hội thi đua yêu nước. Đã có 11.000 Anh hùng, Chiến sĩ thi đua, tổ, đội lao động Xã hội chủ nghĩa và những điển hình tiêu biểu đã được tuyên dương tại 9 kỳ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, trong đó phải kể đến Đại hội lần thứ I (1952) đến Đại hội lần thứ IV (1967) đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và chỉ đạo.

 Ở miền Nam, các phong trào thi đua trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đã để lại những dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người dân Việt Nam, từ phong trào "Bám đất giữ làng"; "Một tấc không đi, một li không rời", “Tìm Ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt”, thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, "Dũng sĩ diệt xe tăng", "Năm xung phong"... Tham gia chiến đấu với tinh thần “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” đã tạo nên sức mạnh toàn dân, điển hình là phong trào "Đồng khởi", "Đội quân tóc dài" của tỉnh Bến Tre mà tiêu biểu là hình ảnh nữ Tướng Nguyễn Thị Định, các chiến sĩ "Biệt động Sài Gòn", đến các phong trào của học sinh, sinh viên: "Dậy mà đi", "Hát cho đồng bào tôi nghe", góp phần tạo nên phong trào đồng khởi thi đua giết giặc lập công phát triển mạnh mẽ trong toàn miền Nam, trở thành một làn sóng không gì ngăn cản nổi, tạo nên thế trận chiến tranh nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Từ các phong trào thi đua cả nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, đơn vị, cá nhân Anh hùng và tiêu biểu, xuất sắc, đáng trân trọng hơn với những tấm gương hy sinh, anh dũng, quả cảm của các Anh hùng liệt sĩ, như những Anh hùng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, 10 cô gái dân quân Lam Hạ, 10 nữ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc, Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi - người công nhân TP. Sài Gòn trước giờ xử bắn vẫn đanh thép tố cáo tội ác của Mỹ- Nguỵ trước họng súng quân thù, Nguyễn Viết Xuân với khẩu lệnh nổi tiếng "Nhằm thẳng quân thù mà bắn", Lê Anh Xuân hiên ngang với "Dáng đứng Việt Nam", nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm xung phong vào Nam cáng thương, tải đạn, bám bệnh xá chữa trị thương binh trước những trận càn ác liệt của địch nhưng vẫn luôn lạc quan, tin mình sẽ chiến thắng, và còn nữa, còn nữa nhiều tấm gương anh hùng đã chiến đấu quả cảm trên khắp các chiến trường, trong nhà tù Mỹ- Nguỵ cũng như tham gia chiến đấu trên đất bạn Lào, Campuchia, trong đó có không ít liệt sĩ, chiến sĩ hy sinh chưa tìm được tên, chưa nhận được hài cốt.... Cả nước đời đời ghi nhớ những tấm gương anh dũng đó. Sự cống hiến, hy sinh của các liệt sĩ đã tạo nên “Bản hùng ca” bất tử trong lịch sử dân tộc, góp phần vào chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, giang sơn thu về một mối, tinh thần thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển, hướng vào thực hiện các nhiệm vụ của thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử, thống nhất về mặt Nhà nước. Phong trào thi đua với tinh thần “Tất cả vì Chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân",… đã góp phần cùng đất nước nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt qua mọi thách thức, khó khăn sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, nhất là khó khăn về kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội.

Từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, trong đó thực hiện dân chủ hoá và dựa trên quan điểm "Lấy dân làm gốc", đổi mới kinh tế mà trọng tâm là đổi mới  cơ chế quản lý kinh tế, xoá bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, giải phóng mọi năng lực sản xuất. Từ định hướng đó, các phong trào thi đua nở rộ ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Trong phát triển kinh tế, tiêu biểu là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Công nhân lao động giỏi, lao động sáng tạo”… đã góp phần cùng đất nước ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. So với tốc độ tăng trưởng giai đoạn đầu đổi mới là 4,4% đến nay bình quân bằng 7%, và từ năm 2010, Việt Nam chính thức vượt qua nước đói nghèo vươn lên nước có mức thu nhập trung bình và trở thành nước đang phát triển. Các ngành, các lĩnh vực của nền kinh tế có bước phát triển khá, hội nhập sâu rộng. Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước (năm 2017 đầu tư nước ngoài đã đạt con số 325 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay; xuất nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cũng là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu; gần 130.000 doanh nghiệp mới được thành lập và giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động). Lĩnh vực nông nghiệp chuyển biến tích cực, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thành công ở nhiều nơi; du lịch, dịch vụ phát triển, khách quốc tế lần đầu tiên đạt 12,9 triệu lượt người; đã huy động mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đã có 52 huyện và 37% xã đạt chuẩn nông thôn mới… Nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho cả thành thị và nông thôn, miền núi, góp phần to lớn vào thành tựu hơn 30 năm đổi mới, phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

+ Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, các phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phong trào “Dạy tốt, học tốt” tiếp tục được triển khai sâu rộng, chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Hàng ngàn học sinh, sinh viên, vận động viên thể thao đã đạt giải cao trong các kỳ thi Quốc gia và Quốc tế. Trong lĩnh vực y tế, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Lương y như từ mẫu”,  phong trào thi đua đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, dịch bệnh được kiểm soát, bước đầu sử dụng trang thiết bị y tế và ứng dụng nhiều thành tựu y học tiên tiến của thế giới trong điều trị bệnh và ghép tạng thành công. An sinh xã hội được bảo đảm, thực hiện hiệu quả các chương trình nhân văn, ý nghĩa như "Đền ơn, đáp nghĩa"; "Xóa đói, giảm nghèo", "Mái ấm tình thương", "Vì Trường Sa thân yêu",... đã mang lại niềm tin yêu trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ... Các phong trào thi đua có sự gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, huy động nhiều nguồn lực trong xã hội và cộng đồng, cùng Nhà nước chăm sóc người có công, người nghèo, vùng bị thiên tai, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số,... Đặc biệt, phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong toàn xã hội, kể cả Kiều bào Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức Quốc tế đã góp phần chăm lo cho người nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 60% (những năm đầu đổi mới) còn dưới 7% hiện nay,... được Liên hợp quốc đánh giá đạt nhiều điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Nhiều giá trị văn hoá được Quốc tế công nhận là văn hoá vật thể, phi vật thể của nhân loại. Các phong trào thi đua trong lĩnh vực khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, nhiều thành tựu khoa học được ứng dụng, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nội chính, tư pháp và đối ngoại, các phong trào thi đua góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Phong trào “Thi đua quyết thắng” trong lực lượng Quân đội nhân dân, Phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, "Học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" trong lực lượng Công an nhân dân tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả. Các cơ quan tư pháp, nội chính đẩy mạnh các phong trào thi đua góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bảo vệ pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tham mưu nâng cao chất lượng công tác lập pháp, giám sát; tuyên truyền, vận động nhân dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Trong lĩnh vực đối ngoại, đã hướng thi đua vào việc tập trung nghiên cứu, tham mưu thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, thiết lập quan hệ ngoại giao và thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, vận động sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, trong năm 2017, Việt Nam lần thứ 2 tổ chức thành công Hội nghị APEC, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp, các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong từng tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tăng cường sự gắn kết giữa Đảng với nhân dân. Các phong trào thi đua "Dân vận khéo", "Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu" đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền "Trong sạch, vững mạnh". Các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", "Thanh niên tình nguyện", "Cựu chiến binh gương mẫu", "Phụ nữ lao động sáng tạo,  xây dựng gia đình hạnh phúc",... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức hội, đoàn thể, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, tổ chức tôn giáo,... đã tích cực tham gia các phong trào thi đua phù hợp với mục tiêu hoạt động của mình,… góp phần to lớn trong việc kiện toàn hệ thống chính trị, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Bên cạnh các phong trào thi đua rất đa dạng và phong phú của từng ngành, từng cấp, từng giới trong xã hội, từ tháng 5/2011, thực hiện Chỉ thị 03/CT của Bộ Chính trị và nay là Chỉ thị 05/CT của Bộ Chính trị, các phong trào thi đua gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của các cán bộ, đảng viên, của các tổ chức Đảng và các tầng lớp nhân dân. Nhiều điển hình tập thể, cá nhân, tổ chức xuất hiện và ngày càng được nhân rộng, lan toả trong phong trào thi đua yêu nước. Tổng kết công tác thi đua khen thưởng 70 năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng, phong tặng 7.814 tập thể và  9.351 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1.332 tập thể và cá nhân Anh hùng Lao động; vinh danh  gần 140.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tặng thưởng hàng trăm ngàn Huân, Huy chương, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và tuyên dương, biểu dương hàng triệu điển hình tiên tiến tiêu biểu trong cả nước thời gian qua. Tại Lễ kỷ niệm hôm nay, có 700 đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động qua các thời kỳ, các điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực ở khắp mọi miền của đất nước là những tấm gương tiêu biểu, những bông hoa tươi thắm trong vườn hoa thi đua yêu nước, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, công tác, học tập, lao động sản xuất… đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chúng ta sẽ tuyên dương 70 tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc nhất tại buổi Lễ long trọng này.

Thưa toàn thể các đồng chí lãnh đạo và quý vị đại biểu!

Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc và nhận thức được phong trào thi đua phải gắn chặt với công tác khen thưởng nhằm ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích bằng lợi ích vật chất đối với cá nhân, tập thể có thành tích trong phong trào thi đua. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị và ngày càng hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và bộ máy làm công tác thi đua khen thưởng, từ Viện Huân chương ra đời năm 1947 và nay là Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã nỗ lực làm việc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, Luật thi đua, khen thưởng được ban hành năm 2003, phong trào thi đua và công tác khen thưởng có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp và dần đi vào nền nếp, toàn diện hơn. Tổ chức bộ máy và đội ngũ làm công tác thi đua khen thưởng được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở; đã làm tốt chức năng tham mưu, quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng. Ngày 04/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258 về việc "Lấy ngày 11/6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước". Đây là dịp để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với việc triển khai sâu rộng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong giai đoạn hiện nay, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế.

Kính thưa các vị đại biểu và các đồng chí.

Có thể khẳng định 70 năm qua, trải qua các giai đoạn cách mạng, dưới những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước vẫn phát triển theo dòng chảy liên tục phù hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng thời kỳ. Những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử đều ghi rõ dấu ấn việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta. Càng khẳng định, thi đua là động lực tinh thần và qua đó tạo ra sức mạnh vật chất vô cùng to lớn, góp phần huy động nhân tài, vật lực, sức người, sức của đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Đây vừa là kinh nghiệm thực tiễn, vừa bổ sung và khẳng định quan điểm, tư tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua là động lực, là biện pháp để động viên nhân dân thực hiện sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Trong thời gian tới, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của đất nước, trước yêu cầu của hội nhập ngày càng sâu rộng trong khu vực và thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra cả cơ hội và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện lời dạy của Người: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”, từ đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện để thi đua thật sự trở thành động lực to lớn của toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng giúp mỗi chúng ta ôn lại truyền thống, nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về tư tưởng thi đua yêu nước của Người, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, vượt qua khó khăn, chung sức, đồng lòng, cùng đất nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, quý vị đại biểu mạnh khoẻ, hạnh phúc và thành công.

 Xin trân trọng cảm ơn./.