Ra mắt Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật
14/05/2018 - 15:15

TĐKT - Sáng 13/5, Lễ công bố Quyết định số 182/QĐ - LHHVN của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam về việc thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành tiêu hóa.

Lãnh đạo Viện đón nhận Quyết định bổ nhiệm tại Lễ ra mắt

Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật (tên giao dịch tiếng Anh là Institute of Gastroenterology and Hepatology) là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về các vấn đề tiêu hóa và gan mật.

Hiện tại, Viện là một trong những cơ sở được trang bị chuyên sâu và hiện đại nhất về tiêu hóa và gan mật ở nước ta với: 20 giàn nội soi và 120 dây soi cao cấp (dây soi có độ phóng đại gần 300 lần, nhuộm màu ảo, phần mềm chuyên biệt giúp phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa); máy đo độ xơ hóa gan có giá trị định lượng bằng kỹ thuật ARFI, được coi là chính xác và đáng tin cậy nhất hiện nay; máy đo PH dạ dày thực quản, máy đo áp lực cơ thắt đường tiêu hóa; máy phân tích khí thở.

Viện ra đời với 4 chức năng chính: Nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề tài, dự án trong lĩnh vực tiêu hóa và gan mật; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực chuyên ngành tiêu hóa, gan mật ở trong cả 3 vị trí bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên; xây dựng và phát triển tổ chức, hệ thống quản lý, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và các nghiên cứu xã hội liên quan đến tiêu hóa, gan mật; tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, công tác chẩn đoán và điều trị người bệnh có bệnh lý tiêu hóa, gan mật.

Theo các chuyên gia tiêu hóa, Việt Nam là quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu thay đổi thất thường kèm theo tập quán ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, môi trường ô nhiễm..., là những điều kiện thuận lợi co bệnh tật, trong đó có bệnh về đường tiêu hóa phát triển và biến đổi.

Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia y tế mới được công bố cho thấy trên 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP, một trong những nguyên nhân gây viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày. Có khoảng trên 10 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B và C. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm gan, xơ gan và ung thư gan.

Tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân đến khám tiêu hóa chiếm từ 35% đến 40% tổng số bệnh nhân đến khám hàng ngày tại viện. Còn tại các tuyến tỉnh, chỉ có một số ít bệnh nhân có khoa tiêu hóa và gan mật tách riêng, còn phần lớn đều nằm trong khoa nội chung.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn đang thiếu các số liệu để xây dựng một chiến lược cho vấn đề chăm sóc sức khỏe toàn diện trong lĩnh vực này. Hiện nay, việc chăm sóc sức khỏe tiêu hóa và gan mật chủ yếu dựa vào khoa tiêu hóa, các hội nghề nghiệp chuyên ngành, trong khi đó y tế tư nhân đóng một vai trò chưa lớn.

Với mong muốn góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như đưa ra những nghiên cứu, đánh giá khoa học để đề xuất các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu và ứng dụng được những kỹ thuật mới trong việc điều trị và phòng bệnh, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật đã được thành lập trên nguyên tắc kết hợp với một cơ sở thực hành lâm sàng chuyên ngành là phòng khám đa khoa Hoàng Long.

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Đào Văn Long, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết: Viện ra đời là tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về các vấn đề tiêu hóa và gan mật. Ngoài chức năng nghiên cứu và đào tạo, chúng tôi cũng hi vọng sẽ chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học dựa trên các công nghệ tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị người bệnh có bệnh lý tiêu hóa, gan mật. Từ đó, góp phần hạn chế những bất cập còn tồn tại, nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tiêu hóa tại Việt Nam.

Phương Thanh