TĐKT - Hưởng ứng “Ngày phòng, chống tăng huyết áp thế giới” (17/5) năm nay, Bệnh viện Tim Hà Nội, Hội Tim mạch Thành phố Hà Nội, Ban tổ chức Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 25 tổ chức Hội thảo chuyên môn “Phòng, chống tăng huyết áp và bệnh tim mạch” diễn ra ngày 10/5 tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm tuyên truyền phổ biến kiến thức về huyết áp, tim mạch, tiểu đường, tư vấn về bệnh cho đông đảo người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận, qua đó người dân có ý thức phòng, chống bệnh một cách tích cực và hữu hiệu, nhằm giảm thiểu tối đa những biến chứng âm thầm và nguy hiểm do căn bệnh gây nên.
Hội thảo phòng, chống áp huyết cao và tim mạch
Kể từ năm 2006, Liên đoàn Tăng huyết áp thế giới (WHL) phối hợp với Hiệp hội Quốc tế về Tăng huyết áp (ISH) và các tổ chức khác đã lấy ngày 17/5 là Ngày Phòng, chống tăng huyết áp thế giới, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh tăng huyết áp. Chủ đề của giai đoạn 2013 - 2018 là “Biết chỉ số huyết áp của bạn” với mục tiêu nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp ở tất cả mọi đối tượng trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tăng huyết áp (THA) ảnh hưởng đến sức khỏe của hơn 1 tỷ người trên toàn thế giới và là yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng nhất liên quan đến bệnh mạch vành, suy tim, bệnh mạch máu não và bệnh thận mạn tính.
Nước ta hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, trong đó, nam giới chiếm tỷ lệ cao hơn so với nữ. Điều đáng lo ngại là trong số người mắc bệnh tăng huyết áp, có tới 60% chưa phát hiện được bệnh và hơn 80% chưa được điều trị.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là có khoảng 90% bệnh nhân bị tăng huyết áp không rõ nguyên nhân. Chỉ một số ít bệnh nhân có một vài triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai, mặt đỏ bừng.
Đa số các bệnh nhân bị tăng huyết áp thường không có các dấu hiệu cảnh báo trước. Do đó, những dấu hiệu lâm sàng thể hiện bệnh tăng huyết áp thường không đặc hiệu và người bệnh có thể không thấy biểu hiện gì khác biệt so với người bình thường. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người mắc bệnh tăng huyết áp không biết mình bị bệnh, hoặc biết nhưng do không thấy biểu hiện khác thường nên chủ quan, bỏ qua việc điều trị, dẫn tới những tai biến khó lường.
Để phòng ngừa các biến chứng do bệnh tăng huyết áp gây ra, các chuyên gia khuyến cáo, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên là rất quan trọng. Người bị tăng huyết áp nên thường xuyên đo huyết áp ít nhất là 3 lần/tuần.
Mọi người nên thay đổi lối sống, điều này được ví như điều trị không dùng thuốc nhưng đạt nhiều mục tiêu như phòng ngừa bệnh tăng, hạ huyết áp và giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch khác.
Các biện pháp thay đổi lối sống như giảm cân, tập thể dục hàng ngày, hạn chế rượu, muối, nước mắm khi nấu ăn, không hút thuốc lá…
Theo các chuyên gia y tế, việc kiểm tra huyết áp thường xuyên giúp phát hiện sớm bệnh lý tăng huyết áp và tim mạch, đóng góp quan trọng trong quá trình điều trị bệnh sau này. Bệnh lý tăng huyết áp nếu được phát hiện sớm, nhiều trường hợp có thể điều trị không dùng thuốc thông qua điều trị nguyên nhân gây bệnh (chỉ có 10% tình trạng tăng huyết áp có nguyên nhân rõ ràng như đang mang thai, đang dùng thuốc điều trị bệnh khác,...), thông qua điều chỉnh lối sống: Chế độ ăn uống hợp lý, tăng kali, vi lượng, giảm muối và chất đạm, bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu, tăng cường tập thể dục và giảm cân nếu cần.
Nếu biện pháp này không hiệu quả thì mới áp dụng các biện pháp điều trị can thiệp bằng thuốc và phẫu thuật.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia y tế phổ biến kiến thức tập trung vào các nội dung: Cập nhật, chẩn đoán điều trị tăng huyết áp; chẩn đoán, xử trí cơn tăng huyết áp; Rối loạn lipit máu và xơ vữa động mạch; Dinh dưỡng cho người tăng huyết áp.
Hồng Thiết – Phương Thanh